VCCI đề nghị xem xét bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:25, 22/06/2022

Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Góp ý về Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn , Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT), VCCI cho rằng phương án này có ưu điểm là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7.2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hoặc thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.

Tuy nhiên, về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.2022.

xang.jpeg
VCCI đề nghị xem xét bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên, theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.

VCCI cũng đánh giá mức giảm thuế của dự thảo hiện nay là hợp lý vì đây là mức giảm cao nhất thuộc thẩm quyền của UBTVQH (mức sàn của Luật Thuế BVMT).

Dự thảo Tờ trình đã thuyết minh tương đối chi tiết tác động ngân sách trong trường hợp thực hiện phương án giảm thuế BVMT như đề xuất. Tuy nhiên, VCCI cho rằng việc giảm thuế BVMT này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu) tăng mạnh.

Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các thuyết minh về tác động tổng thể này giúp cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để ra quyết định.

Ngày 21.6, giá xăng dầu tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp, cán mốc cao nhất gần 33.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel cũng tăng khá mạnh từ 900 đến gần 1.000 đồng/lít.

Trước áp lực tăng giá xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, đề xuất giảm từ 700 - 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (tùy loại), nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát.

Về hiệu lực thi hành, trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7.2022, đề nghị hiệu lực thi hành của nghị quyết kể từ ngày 1.8.2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới trước đó, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng xăng dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy rất tốt vai trò, góp phần giữ giá xăng dầu trong nước ở mức hợp lý cho doanh nghiệp và an sinh của người dân tốt hơn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình việc giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến ngày 31.12.2022.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ phần trăm giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định. Hơn nữa, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng nền sản xuất cần hướng tới tiết kiệm năng lượng, kinh tế xanh, đa dạng hóa nguồn cung phát triển năng lượng khác thay thế xăng dầu; sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây, ĐBQH Trần Hoàng Ngân phân tích, lạm phát của chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Do vậy, chúng ta phải sử dụng các công cụ nếu không giá xăng dầu điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát.

"Để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", ông Ngân cho hay đồng thời cho rằng cần kiểm soát, tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để "té nước theo mưa", tăng giá các mặt hàng bất hợp lý để trục lợi.

Lam Thanh