Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam ứng dụng năng lượng hạt nhân sau năm 2030
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:16, 22/06/2022
Ngày 22.6, Báo Công Thương phối hợp Tập đoàn General Electric (GE) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam”.
Chuyển hướng sang năng lượng xanh
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Năng lượng và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm.
Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao.
Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620MW; Trong đó, thủy điện đạt 22.111MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100MW.
"Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng khẳng định Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững.
Trong dự thảo Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26.
Cụ thể là khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng LNG; các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa; đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời…
Ông Sean Lawlor - chuyên gia năng lượng (Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam) nhìn nhận nền kinh tế bình đẳng tại các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều hướng tới trụ cột nền kinh tế năng lượng xanh, sạch.
Ngoài ra, phía Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đáp ứng được cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 và có kế hoạch tài chính cho thực hiện cam kết trong tương lai.
“Chúng tôi ghi nhận những chỉ tiêu đầy tham vọng về điện gió ngoài khơi 7GW của Việt Nam. Đây là tín hiệu rõ ràng và là cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu đã đề ra. Đối với điện gió trên bờ, Việt Nam cần phải tái cân nhắc để quyết định”, ông Sean Lawlor lưu ý.
Ông Sean Lawlor thông tin thêm, sau năm 2030, phía Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam để ứng dụng năng lượng hạt nhân trong tương lai.
“Chúng tôi đã sẵn nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam. Đối với việc sử dụng nguồn năng lượng từ hydro, trong tương lai Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn để khai thác tối ưu”, ông Sean Lawlor nói và cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ nâng cấp hệ thống truyền tải để giảm tắc nghẽn, và nâng cấp hệ thống truyền tải 500kV Bắc Nam. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao vai trò của khối tư nhân trong phát triển điện lực.
Ông Narendra Asnani, Tổng giám đốc Khối Dịch vụ GE Gas Power châu Á cho biết các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ carbon có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon.
Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo.
"Với sự hiện điện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng", ông Narendra Asnani khẳng định.
Nhiều thách thức trong thị trường điện
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chỉ ra nhiều thách thức trong hoạt động thị trường điện hiện nay. Ví dụ như tắc nghẽn đường dây truyền tải, quá tải với đường dây 220, 110kV ở miền Trung, nghẽn mạch ở đường dây truyền tải Bắc Nam.
Ngoài ra, hiện 220 nhà máy điện năng lượng tái tạo chưa được điều động hết do tắc nghẽn cục bộ. Nguy cơ mất ổn định hệ thống và cơ chế khuyến khích cho các dịch vụ phụ trợ không hấp dẫn, theo đó dẫn đến thiếu nguồn dự trữ của năng lượng tái tạo.
“Do tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo tại khu vực miền Trung và miền Nam tương đối cao nên vào các buổi trưa, máy phát sẽ vượt quá nhu cầu phụ tải, gây quá tải cho đường dây 500kV. Cụ thể, tổng lượng điện cắt giảm trong dịp Tết Nguyên đán tương đương trang trại năng lượng mặt trời 5.500MW và năng lượng mặt trời trên mái nhà tương đương 3.500 MW”, ông Ninh nêu.
Cũng theo ông Ninh, thách thức trong vận hành hệ thống điện đã tác động đến quy hoạch thị trường điện, như khó dự báo khả năng tái tạo trong quy hoạch dài hạn.
Dù thị trường điện vẫn còn nhiều thách thức, song ông Ninh cũng chỉ ra cơ hội để điện Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Quy hoạch điện 8. Cụ thể như phát triển cơ chế cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế cho phép người tiêu dùng lớn mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Các giao dịch mua bán điện giữa các bên được thực hiện thông qua thị trường giao ngay phù hợp với các quy tắc và quy định của thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.
Đồng thời, ông Ninh cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ; phát triển cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Cơ chế BESS có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện (sự cố tổ máy, giảm đột ngột thế hệ năng lượng tái tạo…).
Về điện thời gian tới, ông Ninh cho rằng cần thúc đẩy việc thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường. Đồng thời, cần tạo thị trường tài chính phái sinh mới cho điện như đấu giá hợp đồng, thị trường kỳ hạn, thị trường tương lai; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường…