Nga đề xuất lập các cơ sở lọc dầu và khí đốt chung với khối BRICS

Chuyển động - Ngày đăng : 18:31, 22/06/2022

Dự kiến tại phiên họp thượng đỉnh hàng năm của Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ kêu gọi các nước này thành lập các cơ sở lọc dầu và khí đốt chung với Nga.
putin-xi.jpg
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

BRICS là tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ BRIC bắt đầu được dùng từ năm 2001. Đến năm 2010 thì khối này có thêm Nam Phi nên được gọi là BRICS.

Kể từ năm 2009, chính phủ của các quốc gia thuộc BRICS đã họp hàng năm tại các hội nghị thượng đỉnh chính thức. Lần gần nhất vào ngày 17.11.2020, Nga đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 12 bằng hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Kỳ họp BRICS năm nay do Trung Quốc tổ chức trực tuyến trong hai ngày 23 và 24.6, sẽ là kỳ họp đa quốc gia đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ sau khi ông ra lệnh mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo CNBC ngày 22.6, không thành viên nào trong khối BRICS phản đối cuộc chiến của Nga tiến hành tại Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn hàng thứ 2 và thứ 7 thế giới, đều đã tăng quan hệ thương mại với Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với nước này.

Tại hội nghị trực tuyến năm nay, Tổng thống Putin sẽ kêu gọi khối BRICS lập các cơ sở lọc dầu và khí đốt chung với Nga. Tháng trước, hãng tin Tass của Nga đưa tin Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov nói các liên doanh này sẽ giúp khối BRICS giảm lệ thuộc nguồn cung ứng nhiên liệu từ “các đối tác không thể tin cậy”.

Nga, quốc gia đã bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), đang muốn lập một hệ thống tách khỏi đồng USD. Tại các hội nghị trước, khối BRICS đã bàn về vấn đề này.

Đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã cảnh báo sự trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra “suy thoái toàn cầu” và một cuộc khủng hoảng lương thực. Ông kêu gọi BRICS cùng làm việc để ổn định tình hình kinh tế.

Hồi tháng 4, ông Siluanov cũng kêu gọi BRICS thu xếp đạt được các thỏa thuận thương mại bằng đồng tiền riêng của mỗi quốc gia nhằm tránh sử dụng đồng USD, theo tạp chí Russia Briefing ở Nga.

Thế kẹt của Ấn Độ trong quan hệ với Nga và Mỹ

Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tìm sự ủng hộ của BRICS dành cho tầm nhìn của ông về một trật tự thế giới thay thế, mà ông đã đặt tên là Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) và giới thiệu tại một diễn đàn hồi tháng 4. Tiền đề chính của GSI nhận định “việc tìm kiếm “an ninh tuyệt đối” là phản tác dụng. Nó đi ngược với công tác xây dựng an ninh quốc gia dựa trên sự bất ổn của các nước khác”.

GSI có thể nhận được sự ủng hộ của ông Putin, người đã thăm Bắc Kinh nhiều tuần trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24.2. Lúc đó, Nga - Trung ký thỏa thuận đối tác “không hạn chế” 5.000 chữ nhằm thách thức “bá quyền toàn cầu” tuy không nêu đích danh Mỹ.

Tuy nhiên theo CNBC, Ấn Độ có thể không đồng ý với khuôn khổ an ninh do Trung Quốc dẫn đầu này. Ấn Độ đang có căng thẳng biên giới với Trung Quốc ở vùng núi Hymalaya, với binh lính của hai bên được triển khai ở những chiến tuyến cao nhất thế giới, nơi có địa hình trắc trở và thời tiết lạnh giá.

Ấn Độ còn bị lâm thế kẹt trong khi tăng cường thân cận chính trị với Mỹ thì lại hầu như lệ thuộc nguồn vũ khí Nga. Theo các ước tính thì từ 60-85% khí tài phòng thủ của Ấn Độ là do Nga sản xuất.

Nhưng Ấn Độ cũng là một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, qua đó chính phủ Tổng thống Joe Biden đang cố gắng đối phó Trung Quốc hung hăng trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhà phân tích Harsh V. Pant của Observer Research Foundation (ORF) nói với CNBC: “Khi quan hệ Trung - Nga thêm nồng ấm, quan hệ của Ấn Độ với Nga cũng chịu tác động. Nga đã công khai bày tỏ thái độ không hài lòng với khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và với khối Đối thoại An ninh QUAD vốn gồm Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản. Bắc Kinh cũng đã chỉ trích QUAD là “NATO châu Á”.

Ông Pant là phó chủ tịch chuyên nghiên cứu các chính sách đối ngoại ở ORF, một tổ chức nghiên cứu ở New Delhi, Ấn Độ. Ông kết luận: “Quan hệ của Nga với Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và hậu quả là quan hệ của Ấn Độ với Nga sẽ tiếp tục suy yếu. Nhưng về ngắn hạn, Ấn Độ phải kiềm chế được Nga”.

Bảo Vĩnh