Nỗi buồn của nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:43, 23/06/2022

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho rằng: “Khi thanh long tăng giá cũng là lúc nông dân không có thanh long để bán. Các trái cây khác trong vùng cũng vậy, hàng tăng giá là lúc nhà vườn cạn nguồn cung. Đây là nỗi buồn của nhà vườn ĐBSCL”.

Vì sao nông dân cạn nguồn cung trái thanh long? Đây là câu hỏi được một lão nông ở Long An phân tích rất chi tiết. Bởi ông là người trong cuộc. Ông Nguyễn Xuân Lập, nông dân canh tác hơn 6.000 m2 thanh long, xã viên HTX Bình Quới (Châu Thành - Long An) cho rằng: “Trong khi xảy ra đại dịch COVID-19, người trồng thanh long rất khổ do không chăm sóc vườn thanh long được. Thu hoạch thanh long không có chỗ bán, phải cho thanh long làm từ thiện, hoặc bán rẻ như bèo cho các điểm thu mua.

Hết dịch lại đến việc Trung Quốc phong toả do chính sách Zero COVID-19, làm thanh long không xuất khẩu được. Người trồng thanh long lại tiếp tục gặp khó do đầu ra bị bóp nghẹt và bị thương lái mua giá bèo.

Chưa hết, vừa hết dịch ở đồng bằng cũng là lúc giá xăng dầu, phân bón tăng phi mã. Giá phân bón các loại và xăng dầu hiện nay tăng gấp đôi so với một năm trước. Người trồng thanh long đã phải chống chọi liên tục với khó khăn. Nhiều người đã bỏ vườn thanh long không canh tác. Nguyên nhân do bị kiệt sức kinh tế. Người tiếc của thì cố gắng canh tác tiếp thanh long nhưng làm cho có làm. Lời không bao nhiêu chưa nói là bị lỗ. Làm nhiều lỗ nhiều. Làm ít lỗ ít”, ông Lập chia sẻ.

ao-at-pha-thanh-long.jpg
Nhà vườn phá bỏ vườn thanh long do một thời gian dài thanh long giá thấp - Ảnh: Mỹ Tho

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Lập, hiện nay tại Long An, nhiều thông tin cho rằng thanh long hút hàng, tăng giá. Xin thưa, đó là “giá ảo” do những điểm thu mua đăng lên để lừa người dân trồng thanh long. Thanh long ruột trắng loại 1, giá niêm yết thu mua 25.000 đồng/kg. Thanh long ruột đỏ loại 1, thu mua giá 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, qua giới thiệu của một vị có “uy tín" để tôi bán 4 tấn thanh long ruột đỏ, điểm thu mua chỉ đồng ý mua của tôi 30 kg, thanh long loại 1, giá 17.000 đồng/kg, còn lại gần 4 tấn đề mua giá thanh long loại 4, giá 7.000 đồng/kg. Tôi tức quá không bán, trả lời thẳng thắn: “Đây thật sự là một sự lừa đảo”.

Đó là những nỗi khó khăn mà nhà vườn canh tác thanh long đang gánh chịu khi lạm phát gia tăng, xăng dầu, phân bón tăng giá.

tlnwew.jpg
Lạm phát gia tăng, xăng dầu, phân bón tăng giá càng gây khó khăn cho người trồng thanh long ở ĐBSCL - Ảnh: Internet

Một nông dân cho biết: “Hiện nay nhiều người đã phải đứt ruột phá vườn thanh long do già cỗi, do trồng thua lỗ. Người chuyển qua làm rẫy, có người trồng lúa, có người trồng dừa... thay cây thanh long. Việc mất phương hướng, trồng xen canh này rất tai hại. Vì nó tạo ta những vùng trồng tạp canh, khó trong quản lý sâu bệnh, thị trường sau này. Tuy nhiên, tiếp tục trồng thanh long thì không thể vì nhà vườn đã kiệt sức. Vì vậy, định hướng phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho thị trường để giữ vườn thanh long trong cơn bão giá này đang là thách thức của hơn 15.000 ha thanh long trong vùng ĐBSCL. Đây cũng là vấn đề cần giải quyết của ngành NN&PTNT nói chung.

Cách nay hơn 2 tháng, nhiều nhà vườn trồng xoài Đài Loan ở ĐBSCL cũng chứng kiến cảnh đau lòng. Xoài Đài Loan rớt giá chưa từng thấy, giá 10.000 đồng 3 ký bán tại chợ Cần Thơ. Chị Nguyễn Thị Vân, người ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái (Phong Điền – Cần Thơ) cho rằng: “Các năm trước, khi xoài Đài Loan xuất khẩu được, vào lúc rộ mùa thu hoạch, xoài loại 1 còn bán cho lái 15.000 đồng/kg. Vào tháng 4 năm nay, do xoài xuất khẩu không được, lúc vào mùa thu hoạch cao điểm, giá bán tại vườn xoài loại 1 có 1.500 - 2.000 đồng/kg. Tôi trồng 3.000 m2 xoài Đài Loan, Trước đây mỗi năm bán được khoảng 25-30 triệu đồng, năm nay bán hết mùa xoài kỳ rồi thu được khoảng hơn 5 triệu đồng".

xoai-dl(1).jpg
Cách nay 2 tháng xoài Đài Loan tại chợ Cần Thơ 3 kg 10.000 đồng -Ảnh: Văn Kim Khanh

Tại Hậu Giang, mùa xoài năm nay nhiều nông dân đã nếm vị chua của xoài xuất khẩu. Xoài Hòa Lộc bị nghẽn đầu ra xuất khẩu, giá xoài tốt 20.000 đồng/kg. Xoài Đài Loan loại 1, xuất khẩu, giá bán tại vườn 2.000 đồng/kg. Lỗ không tính được nhưng xoài chín không thể không bán. Hệ thống sấy khô? Hệ thống lưu kho lạnh chưa có hoặc không đảm bảo, nông dân đành "ngậm bồ hòn" làm ngọt.

Trước tình hình nông sản ĐBSCL hay gặp rắc rối từ thị trường Trung Quốc thì đâu là hướng đi phòng tránh rủi ro, TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho rằng: “Giải quyết vấn đề xuất khẩu phải do cấp vĩ mô. Tuy nhiên, khi thị trường lớn cắt giảm nhập khẩu nông sản, giá xuống, tiêu thụ khó khăn là điều tất nhiên. Cái yếu của mình là hiện nay chưa có hệ thống chế biến, lưu trữ tốt. Sắp tới phải giải quyết vấn đề này. Trong thời gian tới, cần lắm những HTX đúng nghĩa của nó. Định hướng trồng cây gì cần cho thị trường? Sản xuất tiêu chuẩn sạch VietGap, xây dựng hệ thống lưu trữ bảo quản, đó là những vấn đề cần thiết. Sản xuất cây trái phải hướng tới nhu cầu thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước. Đó là những vấn đề cốt yếu cho nhà vườn ĐBSCL”.

chom-chom-chau-thanh-bt.jpg

Thu hoạch chôm chôm ở Châu Thành- Bến Tre -Ảnh: Mỹ Tho

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cũng cho biết: “Theo quy hoạch phát triển ĐBSCL vừa mới công bố, TP Cần Thơ là trung tâm chế biến nông sản xuất khẩu của vùng, Đồng Tháp cũng được quy hoạch là vùng nguyên liệu thủy sản, nông sản xuất khẩu. Vì vậy, Đồng Tháp sắp tới cũng sẽ đây mạnh việc thực hiện theo nhiệm vụ phân công để cùng ĐBSCL phát triển trong thời gian tới”

Từ ý kiến của lãnh đạo và các nhà chuyên môn như trên, hy vọng trong thời gian tới nhà vườn ĐBSCL sẽ bớt lo hơn trên chính mảnh đất canh tác của mình

Văn Kim Khanh