Triều Tiên muốn dàn trận địa vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc?

Chuyển động - Ngày đăng : 12:52, 23/06/2022

Với việc giao thêm nhiệm vụ cho các đơn vị quân đội tiền tuyến, một câu hỏi được đặt ra, liệu có phải Triều Tiên muốn dàn trận địa vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc?

Triều Tiên đã thảo luận về việc giao nhiệm vụ bổ sung cho các đơn vị quân đội tiền tuyến của mình tại một cuộc họp quân sự quan trọng, truyền thông nhà nước KCNA cho biết hôm thứ Năm, một gợi ý nước này có thể muốn triển khai vũ khí hạt nhân nhắm vào Hàn Quốc dọc theo biên giới, theo bản tin ngày 23.6 của AP.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết, cuộc thảo luận diễn ra khi Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên sau 5 năm, như một phần trong nỗ lực có thể chế tạo đầu đạn gắn trên vũ khí tầm ngắn có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở Hàn Quốc.

Theo KCNA, trong phiên họp ngày 22.6 của cuộc họp Quân ủy trung ương của đảng Công nhân cầm quyền, lãnh đạo Kim Jong-un cùng các sĩ quan quân đội cấp cao đã bàn về “công tác kiểm tra thực thi nhiệm vụ của các đơn vị quân tiền tuyến của Quân đội Nhân dân Triều Tiên và chỉnh đốn các kế hoạch tác chiến”.

Hãng thông tấn còn đưa tin ông Kim Jong-un đã ra lệnh tiến hành các bước để “tăng cường khả năng tác chiến của các đơn vị quân tiền tuyến”.

Một bức ảnh của KCNA cho thấy, dường như là một bản đồ lớn của bờ biển phía đông Bán đảo Triều Tiên bao gồm các địa điểm biên giới ở gần bàn hội nghị.

ap.jpeg
Bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao trong cuộc họp ngày 22.6.2022 - Ảnh: AP

Những tuyên bố của Triều Tiên gây lo ngại

Phiên họp cùng lúc các quan chức Hàn Quốc nói Triều Tiên đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho một vụ nổ thử thiết bị hạt nhân ở bãi thử Punggye-ri (nằm ở phía đông bắc Triều Tiên). Bãi này không hoạt động từ sau lần thử hạt nhân thứ 6 hồi tháng 9.2017. Lúc đó Triều Tiên nói đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch được thiết kế cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Cheong Seong-Chang, một nhà phân tích cấp cao ở Viện Sejong (Hàn Quốc) nói với AP hôm 23.6: “Tôi có thể kết luận việc triển khai vũ khí hạt nhân đã được bàn sâu tại phiên họp của Triều Tiên.

Kim Jun-rak, người phát ngôn của Hội đồng liên quân Hàn Quốc, cho các nhà báo biết rằng đang theo dõi kỹ các hoạt động của Triều Tiên.

Hồi tháng 4, khi Triều Tiên thử một loại tên lửa hành trình chiến thuật mới, nước này đã nói vũ khí này “cải thiện đáng kể hỏa lực cho các đơn vị pháo tầm xa ở tiền tuyến,tăng cường hiệu quả tác chiến của vũ khí hạt nhân chiến thuật Triều Tiên”.

Theo AP, việc Triều Tiên dùng chữ “vũ khí hạt nhân chiến thuật” mang ý nghĩa rằng loại vũ khí này là một hệ thống vũ khí tầm ngắn có gắn một đầu đạn hạt nhân. Lúc đó, vài chuyên gia nói Triều Tiên cố gắng triển khai các loại vũ khí này để dọa nạt các cơ sở thiết yếu ở Hàn Quốc, gồm các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc.

Cuối tháng 4, ông Kim Jong-un nói Triều Tiên nếu bị đe dọa vẫn có thể dùng vũ khí hạt nhân đánh phủ đầu, chứ vũ khí của Triều Tiên “không bao giờ chỉ có nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh” trong các tình hình mà Triều Tiên đối mặt với các đe dọa từ bên ngoài nhắm vào “các quyền lợi cơ bản” của Triều Tiên.

Khả năng Triều Tiên có một học thuyết leo thang hạt nhân có thể gây lo ngại lớn cho Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trong nửa đầu năm 2022, Triều Tiên đã phóng 31 tên lửa trong 18 lần, gồm lần đầu tiên phô trương các tên lửa ICBM, đặt lãnh thổ của Mỹ và của các đồng minh châu Á như Hàn-Nhật vào trong tầm bắn.

Triều Tiên có tên lửa ICBM đủ sức bắn tới Mỹ, nhưng các chuyên gia nói Triều Tiên vẫn cần làm chủ khả năng đưa tên lửa quay trở lại bầu khí quyển cùng các công nghệ khác để sử dụng các loại vũ khí.

Khó thể có thêm lệnh trừng phạt Triều Tiên

Nhà phân tích Cheong cho rằng, Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân lần thứ 7 sau phiên họp Quân ủy trung ương này, đồng thời nhắc lần thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên năm 2013 cũng diễn ra vài ngày sau phiên họp khác của Quân ủy trung ương.

Trước phiên họp mới nhất, ông Kim Jong-un từng triệu tập họp Quân ủy trung ương 16 lần kể từ khi ông nắm quyền lực hồi cuối năm 2011. Nhưng đây là phiên họp đầu tiên kéo dài hai ngày hoặc lâu hơn, theo nhà phân tích Cheong.

Phiên họp hôm 22.6 là ngày họp thứ hai, và KCNA nêu các cuộc họp vẫn tiếp tục, có nghĩa phiên họp này có thể tiếp tục trong ngày 23.6 (theo giờ địa phương).

Theo AP, vài chuyên gia nói những lần phóng tên lửa trong năm nay của Triều Tiên nhằm củng cố thế lực hạt nhân, và để Triều Tiên có thế mạnh khi đàm phán với nhằm đạt được mục tiêu quốc tế dở bỏ cấm vận cùng các nhượng bộ khác.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo Triều Tiên sẽ phải chấp nhận các hậu quả nghiêm trọng nếu tiến hành thử hạt nhân. Nhưng sự phân hóa giữa các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khiến khó thể có được các giải pháp trừng phạt quốc tế khác.

Trong năm nay, Nga và Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết đối với các dự thảo nghị quyết gia tăng trừng phạt do Mỹ bảo trợ, và nhấn mạnh Mỹ nên chú trọng phục hồi các cuộc đối thoại với Triều Tiên.

Bảo Vĩnh