Miền Bắc nắng nóng khiến người lớn, trẻ em liên tục nhập viện

Sự kiện - Ngày đăng : 14:41, 23/06/2022

Một số bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng người vào cấp cứu trong thời tiết nắng nóng.

Người lớn, trẻ em nhập viện vì đột quỵ, viêm phổi

Miền Bắc đã bắt đầu đón những đợt nắng nóng đầu tiên với nhiệt độ khá cao, ở ngoài trời trung bình từ 38-40 độ C hoặc cao hơn. Đặc biệt, những ngày qua, nắng đỉnh điểm đã lên tới 42 độ ở ngoài trời và ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều người. Thậm chí, một người đã bị đột quỵ bởi nhiệt độ quá nóng, đặc biệt xảy ra ở người già và các em học sinh.

PGS - TS.Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh nhân đột quỵ tăng cao nhưng đây là tác nhân quan trọng làm gia tăng nguy cơ. Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng đỉnh điểm là mùa hè, nhiệt độ tăng cao, trời oi bức. Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dễ dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.

TS.Tôn cũng cho biết, những ngày qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do ảnh hưởng sức khỏe bởi trời quá nắng. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, người dân cũng nên sử dụng điều hòa đúng cách, không nên chỉnh nhiệt độ quá thấp gây ra chênh lệch nhiệt độ quá lớn với bên ngoài. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.

Ông khuyến cáo: “Với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”.

Ghi nhận tại bệnh viện Nhi Trung ương và cả bệnh viện Thanh Nhàn trong những ngày Hà Nội nắng nóng suốt gần 1 tháng qua, số lượng bệnh nhi vào viện điều trị tăng khoảng 150-200% so với 2 tháng trước. Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… thậm chí co giật. Nhiều bé mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở oxy.

dot-quy.jpg
Đột quỵ ở những người trẻ nay đã chiếm tới gần 10% các ca bệnh

TS -BS Nguyễn Thị Mai Hoàn (Bệnh viện Nhi Trung Ương) cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 100 bệnh nhi đến khám chủ yếu về đường hô hấp do thời tiết nắng nóng, phụ huynh cho học sinh nằm điều hòa quá lâu, không khí khô khiến niêm mạc trẻ bị tổn thương, tạo cơ hội cho vi rút xâm nhập.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết những ngày nắng nóng vừa qua, gia đình chị chỉ mới cho các cháu nhỏ bật điều hòa được 2-3 ngày thì đứa bé nhỏ gần 3 tuổi con chị đã bị nhập viện vì ho nặng. Đến khám thì bác sĩ thông báo cháu bị viêm phế quản nặng, đang chuyển sang viêm phổi. "Bác sĩ bảo để nặng thêm 1-2 hôm nữa là biến chứng xuống phổi. Cháu ho nặng nề, kéo kít thành từng cơn, gia đình tôi lo lắng quá vì cháu đi học bình thường sau đó do trời nắng mới dùng điều hòa được 2-3 hôm. Lúc ngủ cũng có quạt nhỏ quay, nhưng do mồ hôi ra đêm khuya chắc bị thấm ngược vào trong nên bị nhiễm lạnh".

Cách phòng tránh đột quỵ và viêm phổi cho trẻ trong ngày nắng nóng

Liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe bản thân giữa trời nắng nóng, bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện lão khoa Trung ương cho biết, trời nắng người dân dùng rất nhiều điều hòa, thậm chí nhiều người đi nắng về mệt mỏi vội vàng bật điều hòa và đi tắm ngay, gây ra đột quỵ về sức khỏe. Để bảo vệ bản thân, trước khi muốn ra ngoài, mọi người cần tắt điều hòa để cơ thể thích nghi được với nhiệt độ, khi đi nắng về đừng tắm vội mà hãy để cơ thể được nghỉ ngơi, uống bù nước cho nhiệt độ cơ thể giảm xuống.

Đối với những người trẻ, khi tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời phải chú ý uống bù nước, tránh vận động mạnh vùng đầu cổ đột ngột gây tổn thương mạch máu vùng đầu cổ và không sử dụng chất kích thích làm huyết áp tăng vọt. Khi phát hiện triệu chứng thì người nhà nên cho bệnh nhân nằm ở nơi an toàn, tránh những nơi có vật sắc nhọn khi bệnh nhân có biểu hiện co giật. Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng để không nuốt ngược nước bọt hoặc đồ ăn vào trong phổi. Tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân trong lúc chờ xe cứu thương nếu bệnh nhân bị ngưng tim. Khi ra ngoài nắng, đối với những người có sẵn bệnh lý nền, cần mang theo thuốc điều trị. Khi ra ngoài trời cần mắc các bộ đồ thông thoáng, đội mũ, dùng ô che nắng, uống bù nước.

Khi ra ngoài, mọi người nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát, che chắn, đội mũ, nón rộng vành, sử dụng kem chống nắng, kính râm khi ra ngoài trời. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta cần uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày. Hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc tập luyện quá sức; không uống rượu, bia, chất kích thích. Khi có bất kỳ dấu hiệu bị say nắng hoặc sốc nhiệt, nạn nhân cần được nghỉ ngơi trong bóng râm, nơi mát mẻ, bổ sung nước và tới bệnh viện nếu cần thiết.

Đối với trẻ em, để tránh trẻ bị nhiễm lạnh hoặc vi rút xâm nhập gây bệnh thì khi sử dụng điều hòa, cha mẹ chỉ nên để nhiệt độ từ 27-29 độ C, thêm quạt thông gió. Vào những khoảng thời gian có thời tiết dịu mát nên tắt điều hòa, mở cửa để phòng thông thoáng… vì môi trường kín dễ phát triển vi khuẩn gây bệnh. Có thể mở cửa vào buổi sáng để tạo không gian thông thoáng, sử dụng quạt để đưa gió vào nhà. Buổi chiều, khi nắng nóng đỉnh điểm, chúng ta sử dụng điều hòa ở nhiệt độ vừa phải và quay lại dùng quạt vào buổi tối. Người già cần tránh ra ngoài từ 10-16 giờ hằng ngày. Nếu tham gia thể dục ngoài trời nên vào buổi sáng, tập nhẹ nhàng với các môn thể thao dưỡng sinh, yoga, đạp xe… tránh dẫn đến các bệnh lý mạch máu.

Đặc biệt, mọi người cần chú ý bổ sung đủ nước mỗi ngày, tối thiểu khoảng 2-2,5 lít. Với người cao tuổi, gia đình cũng nên chú ý để bổ sung. “Với người làm việc ngoài trời, mồ hôi nhiều, chúng ta có thể bổ sung nước hoặc dung dịch bù nước và điện giải” - bác sĩ khuyến cáo.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung