Lần đầu tiên Việt Nam đưa vào ứng dụng phần mềm tổ chức hiến và nhận tạng

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:30, 23/06/2022

Thay vì phải sử dụng phương pháp thủ công lựa chọn người nhận mô tạng gây mất thời gian, dễ dẫn phát sinh tiêu cực… thì phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối mô tạng tự động mà không phải qua bàn tay con người.

Ngày 23.6, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức công bố “phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối mô tạng”. Đây là phần mềm thuộc đề án thực hiện điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân tạo giữa Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2.

TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối mô tạng không chỉ giúp cho các bác sĩ không phải mất thời gian lựa chọn bệnh nhân phù hợp để ghép mà còn tránh được tình trạng tiêu cực như buôn bán tạng, hay chọn lựa người nhận tạng thiếu khách quan, trung thực.

lan-dau-tien-viet-nam-dua-vao-ung-ung-phan-mem-to-chu-hien-va-nhan-tang-hinh-anh(1).png
Một ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: PV 

“Đây là phần mềm tổ chức hiến và nhận tạng đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu: “Made in Viet Nam”. Phần mềm này do Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện”, bác sĩ Thức chia sẻ.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, phần mềm này là một mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến tạng sống, chết não hay ngưng tim.

Trong phần mềm này có các thông tin về hiến và ghép mô tạng; giải đáp các thắc mắc nếu có; đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời; đăng ký ghép loại mô tạng nào sẽ có từng mục để tiếp cận. Đặc biệt, đối với người không rành về công nghệ thông tin thì có người trợ giúp.

Phần mềm có các tiêu chuẩn tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn rõ ràng, minh bạch và được kiểm soát. Mạng lưới được vi tính mã hóa những thang điểm, phù hợp tương thích giữa người cho và người nhận tạng.

“Việc quản lý bằng công nghệ thông tin nên không ai can thiệp. Danh sách chờ và danh sách hiến trong phần mềm trên tự động mã hóa và không ai can thiệp được”, bác sĩ Thu nói.

Bác sĩ Thu cho rằng, với việc có được phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối mô tạng sẽ giúp bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn tạng hiến từ 3 bệnh viện trên (Chợ Rẫy, Thống Nhất và Nhi đồng 2).

Khi bệnh nhân được tiếp cận với nguồn tạng hiến ngày càng nhiều sẽ giảm được chi phí và ngân sách nhà nước. “Những bệnh nhân chạy thận, nếu được ghép thận sẽ tiết kiệm được chi phí gấp 5 lần so với chạy thận nhân tạo mà bảo hiểm y tế phải chi trả. Điều này tiết kiệm được rất lớn nguồn ngân sách cho Nhà nước”, bác sĩ Thu cho biết.

Theo GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh - Cố vấn Ban Giám đốc, Bệnh viện Chợ Rẫy về ghép tạng, hiện nay tạng hiến có từ 3 nguồn là người cho còn sống, người cho chết não và người cho ngưng tim. Trong đó, nguồn tạng lớn nhất là người cho chết não, chủ yếu là tai nạn giao thông.

Hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 người tử vong do tai nạn, chỉ cần có được 500 người trong số trên hiến tạng thì chúng ta đã có 1.000 quả thận, còn lại là tim, gan, phổi… để ghép cho những người chờ ghép tạng. Điều này giải quyết được rất lớn nhu cầu ghép tạng, giảm chi phí, ngân sách quốc gia khi phải điều trị những bệnh nhân đang có nhu cầu ghép tạng.

Hồ Quang