Vì sao Bộ Tài chính chưa muốn giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:35, 23/06/2022

Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh thuế đối với xăng dầu cần phải được tính toán đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế.

Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Theo kinh nghiệm của các nước, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, nhiều quốc gia thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể.

xangdau-3434.jpg
Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong 7 kỳ điều chỉnh vừa qua - Ảnh: Internet

Ví dụ, một số quốc gia mạnh tay giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến 15%, như Bỉ giảm thuế VAT khí đốt xuống 6% từ ngày 1.4.2022 đến ngày 30.9.2022. Croatia giảm thuế VAT đối với khí đốt và nhiệt từ 25% xuống 13%; Ba Lan giảm thuế suất thuế VAT đối với xăng và dầu diesel giảm từ 23% xuống 8% trong 6 tháng từ ngày 1.2.2022...

Trong khi đó, một số quốc gia lựa chọn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đến 50%. Ví dụ như Úc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu từ 0 giờ ngày 29.3.2022 đến ngày 28.9.2022; Thái Lan giảm 3 baht/lít thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng từ ngày 18.2.2022 đến ngày 20.5.2022 và giảm 5 baht/lít thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ 20.5.2022 đến ngày 20.7.2022. Hà Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel xuống 21%; Ai Len giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel lần lượt là 20 cent/lít và 15 cent/lít...

Bộ Tài chính khẳng định, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Bởi xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm như xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập như ôtô, máy bay, du thuyền, chơi golf...

Bộ Tài chính cũng dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng. Ví dụ như Pháp thu 0,6629 euro/lít đối với xăng E10 và 0,6829 euro/lít đối với xăng khoáng; Đức là 0,6545 euro/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 euro/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg; Hà Lan thu 0,81314 euro/lít; Italy thu 0,7284 euro/lít; Anh 0,5795 bảng/lít; Hàn Quốc thu 311 won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%;...

Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho biết thêm tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính khẳng định về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Để góp phần ổn định giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường 500-1.000 đồng/lít với xăng, dầu tùy loại tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dẫn đến giảm thu ngân sách cả năm khoảng 20.305 tỉ đồng.

Việc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu luôn là vấn đề được tranh luận thời gian quan. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã đưa ra đề xuất, ngoài thuế bảo vệ môi trường thì thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cũng cần cắt giảm. Cụ thể, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Hiện tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn). Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng E5RON92 khoảng 23,46%, đối với xăng RON95 khoảng 24,11% và đối với dầu diesel khoảng 12,77% (tính tại kỳ điều hành ngày 13.6.2022).

Hiện giá xăng E5RON92 đang được bán với giá 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); xăng RON 95-III được bán với giá là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng).

Tuyết Nhung