TP.HCM nói gì về tình trạng thiếu vắc xin chủng ngừa?
Sự kiện - Ngày đăng : 17:55, 23/06/2022
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã khẳng định như thế tại cuộc họp báo thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào chiều 23.6,
Trước tình trạng nhiều phụ huynh đưa trẻ đến các điểm tiêm vắc xin ở Viện Pasteur TP.HCM và các trung tâm y tế quận, huyện nhưng không có vắc xin và cũng chưa biết khi nào có, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẳng định các vắc xin thiếu chỉ là những vắc xin dịch vụ, còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đáp ứng đủ.
Theo ông Tâm, hiện nay đang sử dụng 2 loại là vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ.
Vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo Thông tư 38 của Bộ Y tế gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B (dành cho trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi), lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib và Rubella. Đây là những vắc xin được tiêm hoàn toàn miễn phí.
"Các loại vắc thiếu chủ yếu là những loại vắc xin dịch vụ. Điều này là phụ thuộc vào vấn đề kinh doanh, còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đáp ứng đầy đủ”, ông Tâm khẳng định.
Theo ông Tâm các loại vắc xin khác là những vắc xin dịch vụ là do vấn đề kinh doanh. Điều này cũng khó nói, tùy cơ sở, phụ thuộc vào vấn đề kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các vắc xin dịch vụ không có, người dân không được tiêm những loại vắc xin này có ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh hay không, ông Tâm chia sẻ: “Khi vắc xin được chế ra để phòng ngừa một bệnh nào đó, nếu không được tiêm thì có nguy cơ mắc bệnh đó. Tuy nhiên, khi đưa danh mục 10 bệnh bắt buộc phải tiêm chủng và được tiêm miễn phí thì đó là những bệnh quan trọng, cần thiết phải tiêm, vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ. Do đó, Bộ Y tế đã chọn những vắc xin cần thiết để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng”.
Liên quan đến việc xử phạt các đối tượng làm phát sinh những điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP, ông Tâm cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay các địa phương đã xử phạt 4 trường hợp.
“Việc xử phạt hiện nay vẫn còn nương tay cũng như gặp khó khăn trong vấn đề xử phạt. Do đó việc phòng chống sốt xuất huyết ở nhiều địa phương chưa triệt để. Có những điểm để phát sinh nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết nhưng lại không thuộc chủ quyền của ai. Nhiều khi gặp những điểm nằm ở ngoài trời, đọng nước, phát sinh lăng quăng nhưng không biết phạt ai”, ông Tâm nói.