Bộ Tài chính sẽ giảm thuế MFN với xăng dầu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:44, 23/06/2022
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra tại buổi làm việc với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam trước bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng phi mã, tiến sát gần 33.000 đồng/lít.
Theo đó, về giảm thuế với xăng dầu, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá tiếp tục tăng sẽ báo cáo Chính phủ báo cáo trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế phù hợp. Trước mắt là tiếp tục xin ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Về thuế nhà thầu với kho ngoại quan, hiện nay theo quy định, các doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam nhưng có hoạt động ở Việt Nam đều phải nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, do đó khi kinh doanh kho ngoại quan, bán hàng tại Việt Nam thì phải nộp thuế. Về đề xuất giảm thuế MFN đối với xăng dầu, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ nghiên cứu để có mức giảm phù hợp.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho rằng, với những hình thức kinh doanh đặc thù, cần có hướng dẫn đặc thù, cụ thể thì sẽ phải đưa nội dung đó vào văn bản pháp luật dưới hình thức Nghị định, Thông tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy định trong Luật
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ họp nội bộ để đánh giá, phân tích ưu điểm, nhược điểm, tác động và đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách về xăng dầu.
Theo Bộ trưởng, hiện nay giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Do đó, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó tập trung vào 3 nội dung: Thứ nhất là tìm được nguồn cung dồi dào nhưng giá tốt; thứ hai là giảm thuế; thứ ba, cùng với giảm thuế thì phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất giảm từ 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.
Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).
Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng E5RON92 khoảng 23,46%, đối với xăng RON95 khoảng 24,11% và đối với dầu diesel khoảng 12,77% (tính tại kỳ điều hành ngày 13.6.2022).
Bộ Tài chính cho rằng, để giảm giá xăng dầu, về cơ bản có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần phải được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế đang thu đối với mặt hàng xăng dầu.
Về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan này đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Tuy nhiên sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.