Vì sao người Bulgaria bất mãn với chính quyền thân phương Tây, muốn ngả về Nga?

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:54, 24/06/2022

Bình thường chuyện xích gần về phương Tây trong làm ăn sẽ không có vấn đề gì nhưng khi xích gần phương Tây và có thái độ chống Nga thì lại là câu chuyện khác trong tâm lý người Bulgaria.

Như đã đưa tin Chính phủ thân phương Tây của Bulgaria đã sụp đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Các nhà lập pháp đối lập đã lật đổ chính phủ của thủ tướng Kiril Petkov - người nắm quyền cách đây 6 tháng - với tỷ số 123-116 trong một cuộc bỏ phiếu hồi giữa tuần.

Tại sao ông Kiril Petkov lại giảm suýt uy tín sau khi vừa lên nhậm chức sau 6 tháng? Sẽ không có chuyện đứt gánh giữa đường như vậy nếu như không có cuộc chiến tại Ukraine. Là người học tại Havard, ông Petkov có tư tưởng thân Phương Tây rõ rệt nhưng các cuộc trưng cầu dân ý lại cho thấy điều đó thực sự mất điểm chi Bulgaria phải chọn phe. Bình thường chuyện xích gần về phương Tây trong làm ăn sẽ không có vấn đề gì nhưng khi xích gần phương Tây và có thái độ chống Nga thì lại là câu chuyện khác trong tâm lý người Bulgaria.

bulgaria.jpg
Người Bulgaria có mối liên hệ lịch sử đặc biệt với Nga

Theo một cuộc thăm dò được thực hiện cho báo cáo thường niên Globsec Trends vào 3.6, có đến 38% người Bulgaria sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc nước này rời khỏi NATO trong trường hợp có trưng cầu dân ý. Tâm lý chống NATO tại Bulgaria gia tăng xuất hiện trong bối cảnh ranh giới 2 phe ủng hộ Nga và chống Nga tỏ ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Lý do: Thông tin của phương Tây ở nước này, đang khiến dư luận quan tâm đến cuộc chiến ở Ukraine.

Đồng thời, 50% sẽ bỏ phiếu cho việc ở lại NATO - thấp hơn so với năm 2021 khi 54% ủng hộ ở lại nhiều gấp đôi so với với 27% chống lại nó. Tức là người ủng hộ ở lại NATO giảm 4% trong khi những người trước đây bỏ phiếu trắng giờ chọn rời NATO nên nâng số người muốn Bulgaria không còn trong khối quân sự này tăng từ 27% lên 38%.

Globesec lưu ý: “Bulgaria ít thể hiện định hướng thân phương Tây nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Đây là quốc gia duy nhất mà sự ủng hộ rời khỏi NATO đã tăng lên trong năm qua”.

Ngoài Bulgaria, Globesec cũng khảo sát tại Cộng hòa Séc, Estonia, Ba Lan, Latvia, Litva, Romania, Hungary và Slovakia.

Trong khi đó, 57% người dân Bulgaria vẫn không coi Nga là mối đe dọa an ninh đối với nước này dù đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. 30% coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng nhất.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy 70% người Bulgaria nghĩ rằng đất nước nên ở lại Liên minh châu Âu, trong khi 23% cho rằng nên rời khỏi Liên minh châu Âu. Mặc dù tỷ lệ những người ủng hộ thành viên EU vẫn ở mức cao, nhưng những người phản đối đã tăng 6% (từ 17% lên 23%) so với một năm trước.

Báo cáo lưu ý rằng điều này khiến Bulgaria trở thành quốc gia có tỷ lệ bài Âu cao nhất trong số 9 quốc gia đã nêu.

Tuy nhiên, tỷ lệ người Bulgaria tán thành Tổng thống Nga Putin đã giảm xuống 29% so với 70% một năm trước. Nguyên nhân chính là Tổng thống Nga đã cắt nguồn cung khí đốt do chính quyền Petkov từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Và đây cũng là nguyên nhân chính khiến chính phủ Petkov sụp đổ. Bị đánh vào túi tiền thì người Bulgaria đổ trách nhiệm lên cả Tổng thống Nga lẫn Thủ tướng Bulgaria khiến đời sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Nếu ông Petkov giải quyết được bài toán năng lượng giá rẻ thì tỷ lệ ủng hộ sẽ tăng vọt. Hoặc nếu sau khi chính quyền mới chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp để Nga bán khí đốt giá ưu đãi thì thiện cảm dành cho ông Putin có thể sẽ phục hồi. Cái này gọi là Vật chất quyết định ý thức.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, theo 33% người Bulgaria, Nga là một mối đe dọa an ninh, tăng đáng kể so với năm 2021 khi tỷ lệ của họ chỉ là 3%. Tuy nhiên, 33% cũng cho rằng Mỹ là mối đe dọa an ninh đối với Bulgaria, cũng tăng so với mức 16% của một năm trước.

Báo cáo cho biết tại bảy trong số chín quốc gia được thăm dò ý kiến, đa số đánh giá tích cực về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Tuy nhiên, hình ảnh của Zelensky ở Bulgaria, Slovakia và Hungary thì không được khả quan cho lắm.

Tại sao lại có chuyện như vậy ở 3 nước Đông Âu này. Tại Bulgaria thì Tổng thống Rumen Radev là người thân Nga và không có tình cảm gì với ông Zelensky. Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Bulgaria khi từ chối giúp Ukraine vũ khí đã phát biểu: “Cái giá của chiến tranh là do người dân trả, chứ không phải những người rao giảng đạo lý trên truyền hình", đồng thời khẳng định: "Mối quan tâm của tôi là người dân".

Còn tại Hungary, thủ tướng Viktor Orban hồi cuối tháng 3 cũng có phát biểu khá cà khịa với ông Zelensky. Trước đòi hỏi về việc các nước cần có trách nhiệm viện trợ vũ khí cho Ukraine, ông Orban nói: “Tôi là một luật sư, sống bằng kiến ​​thức mà tôi thu thập được trong thế giới luật. Và bất cứ ai là một diễn viên đều làm việc với những kiến ​​thức mà mình đã thu thập được với tư cách là một diễn viên”.

“Vì vậy, chỉ có một diễn viên chuyên nghiệp mới có thể nhìn vào ống kính. Bạn có cảm thấy là chính mình khi ngồi trong một sân khấu được dàn dựng không?”

Orban phát biểu: “Chúng tôi cần nói rõ rằng chúng tôi là người Hungary, vì vậy chúng tôi luôn theo đuổi chính sách thân thiện với người Hungary. Chính trị Hungary không thân Ukraine hay thân Nga, mà thân Hungary”.

Tại Slovakia thì có mức độ phân hóa không kém khi chính quyền có đường lối thân phương Tây còn phe đối lập lại thân Nga. Cựu thủ tướng Robert Fico hồi tháng 4 còn tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính quyền Slovakia gửi vũ khí cho Ukraine.

Anh Tú (theo BNE IntelliNews)