Phát kiến: Ăn thịt động vật thoải mái mà không sát sinh

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 05:00, 24/02/2017

Trong năm 2013, giá thành một chiếc bánh kẹp thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là hơn 300.000 USD, còn bây giờ hầu như không vượt quá 10 USD. Các nhà khoa học đang hoàn thiện công nghệ để thịt động vật tạo ra trong phòng thí nghiệm có giá vừa vừa túi tiền mọi người.

Hầu hết phương pháp sản xuất thịt động vật trong phòng thí nghiệm đều sử dụng các tế bào thịt có nguồn gốc từ huyết thanh. Trong lò ấp sinh học, phần cơ được hình thành từ các tế bào cơ bắp, trở thành cơ sở của thịt. Tuy nhiên, chi phí của công nghệ này không cho phép sản xuất thịt ở cấp độ thương phẩm và tổ chức sản xuất hàng loạt.

Trong năm 2013, nhà sinh vật học Mark Post của Đại học Maastricht (Hà Lan) bằng ống nghiệm đã tạo ra loại thịt nhân tạo dùng để kẹp bánh mì đầu tiên trên thế giới. Chi phí sản xuất sản xuất lên tới 325.000 USD/chiếc. Sự phát triển của công nghệ đã khiến giảm giá nhiều lần và ngày nay 1kg thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã giảm chỉ còn 80 USD, và một bánh mì kẹp thịt chỉ còn khoảng 10 USD. Như vậy, trong 4 năm qua, giá đã giảm gần 30.000 lần.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn nhiều việc phải làm. Tính đến tháng 11.2016, một cân thịt bò có giá 3,6 USD, rẻ hơn so với thịt trong ống nghiệm gần 10 lần. Các nhà khoa học và nhà kinh doanh khởi nghiệp tin rằng trong 5-10 năm tới thịt viên nuôi cấy nhân tạo và hamburger sẽ được bán trong các cửa hàng với giá vừa túi tiền người tiêu dùng.

Sắp tới, có ít nhất 6 công ty phát triển các sản phẩm thịt động vật nuôi cấy trong ống nghiệm. Công ty khởi nghiệp Memphis Meats có kế hoạch trong 2-5 năm tới sẽ bắt đầu bán thịt viên, thịt bò và gà sản xuất trong ống nghiệm. SuperMeat của Israel chuyên sản xuất gan gà, các công ty Mỹ: Clara Food tổng hợp protein trứng, Perfect Day Food sản xuất các sản phẩm sữa không có nguồn gốc động vật. Cuối cùng, công ty của người sáng tạo của bánh kẹp thịt trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới- Mosa Meat của Mark Post hứa hẹn sẽ bắt đầu bán thịt bò nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong 4-5 năm tới.

Ngành chăn nuôi hàng hóa đã gây ra thiệt hại lớn cho môi trường. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ, để sản xuất lượng thịt cho một chiếc bánh hamburger cần 2.500 lít nước, và những con bò được coi là một nguồn chính thải ra khí metan khuếch đại hiệu ứng nhà kính. Thịt trong phòng thí nghiệm được sản xuất bằng cách sử dụng các tế bào động vật sẽ làm giảm đáng kể tác động xấu đến môi trường. Từ một con gà tây có thể có được khá nhiều tế bào gà để chế biến ra 20 nghìn tỉ viên thịt gà. Theo ước tính của chuyên gia sinh thái nông nghiệp tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London Hanna Tuomisto, sản xuất thịt bò trong điều kiện phòng thí nghiệm sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính 90% và giảm sử dụng đất nông nghiệp đi 99%.

Nhưng sản xuất thịt trong ống nghiệm không phải không vấp phải những ý kiến phản đối. Carolyn Mattick của Đại học Arizona ( Mỹ) cho rằng việc sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm sẽ gây hại cho môi trường. Theo tính toán, thành lập các phòng thí nghiệm sản xuất thịt gà với tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ cần nhiều năng lượng hơn so với nuôi gà.

Năm 2017 này, sinh viên Đại học California (Mỹ) cũng sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu các phương pháp chế tạo thịt trong ống nghiệm, đến mùa thu sẽ tổ chức một khóa học chuyên đề về chế tạo nguyên liệu protein và giải quyết các khâu sản xuất để trình làng công thức lý tưởng chế tạo thịt trong ống nghiệm.

Vũ Trung Hương