Nhiệt tình chống Nga nhất nhưng sao Gruzia vẫn bị EU lạnh lùng từ chối làm ứng viên như Ukraine?

Hồ sơ - Ngày đăng : 09:19, 25/06/2022

Trong lúc EU gần như đặc cách cấp cho Ukraine một suất ứng cử viên gia nhập khối như một kiểu động viên thì họ lại lờ đi Gruzia - nước từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ukraine. Trang Euronews vừa có một bài phân tích.

Trong hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Brussels hồi giữa tuần, 27 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã quyết định trao cho Ukraine và Moldova tư cách là các quốc gia ứng cử viên – bước bắt buộc để chuẩn bị gia nhập làm thành viên của khối.

Nhưng đối với Gruzia (Georgia), các nhà lãnh đạo EU chỉ đơn giản thừa nhận là "triển vọng vào châu Âu" của họ, một kiểu mở đường cho việc trở thành ứng cử chính thức.

"Tương lai của những quốc gia này và công dân của họ nằm trong Liên minh châu Âu", EU viết trong phần kết luận.

"Hội đồng Châu Âu sẵn sàng trao tư cách là quốc gia ứng cử viên cho Gruzia sau khi các ưu tiên được nêu rõ trong ý kiến ​​của Ủy ban về đơn đăng ký thành viên của Gruzia đã được giải quyết".

Gruzia, một quốc gia nhỏ với gần 4 triệu  dân, từ lâu đã được xác định thuộc châu Âu, ngay cả khi vị trí địa lý xa xôi, ở khu vực Nam Caucasus, giáp với Nga, Azerbaijan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, đã đặt ra câu hỏi về liên kết với lục địa của họ.

gruzia.jpg
Quân đội Gruzia trong cuộc chiến với Nga năm 2008 - Ảnh: Internet

Là một nước cộng hòa nghị viện, quốc gia này đã đạt được những bước tiến lớn để vượt qua những di sản thời Liên Xô và tổ chức các cuộc bầu cử thường xuyên để chọn ra các đại diện công khai. Nhưng hệ thống này đang bị lung lay, với các cáo buộc thường xuyên về gian lận, đe dọa, mua phiếu bầu, thân hữu và sự quấy rối của cảnh sát.

Các nhà tài phiệt đã bị cáo buộc gây ảnh hưởng quá mức đến đời sống chính trị và môi trường truyền thông của Georgia, trong khi các quyền tự do dân sự "được bảo vệ một cách thiếu nhất quán", theo tổ chức Freedom House.

Vào tháng 10.2020, một cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ khi các đảng đối lập cho rằng cuộc bầu cử quốc hội đã bị gian lận và không chịu thừa nhận thất bại, làm bùng lên sự phân cực và các vụ bắt giữ của cảnh sát. Các nhóm sau đó từ chối vào quốc hội trong khi đảng lãnh đạo - Giấc mơ Gruzia, thành lập chính phủ mới.

Khi cuộc khủng hoảng kéo dài, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã đích thân can thiệp để tạo ra một thỏa thuận và đưa tất cả các bên trở lại nghị viện. Thỏa thuận cũng đề xuất một loạt cải cách bầu cử và tư pháp. Đảng Giấc mơ Gruzia sau đó đã rút lại chữ ký.

Sự bất ổn kéo dài này được phản ánh qua ý kiến ​​của Cơ quan theo dõi hồ sơ ứng cử của Gruzia ở EU, trong đó loại trừ khuyến nghị cấp tư cách ứng cử viên.

Họ nói: "Gruzia có một nền tảng để đạt được thể chế đảm bảo dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và tôn trọng và bảo vệ người thiểu số một cách ổn định, ngay cả khi những diễn biến gần đây làm suy yếu sự tiến bộ của đất nước".

Ủy ban đưa ra một danh sách các ưu tiên mà Gruzia cần giải quyết, bao gồm sự phân cực chính trị, hoạt động bình thường của tất cả các bộ máy trong nhà nước và sự cần thiết của "phi tài phiệt hóa".

Danh sách các cải cách được đề xuất cho Gruzia dài hơn đáng kể so với các đề xuất cho Ukraine và Moldova, những nước dự kiến ​​sẽ thực hiện một loạt các biện pháp quan trọng vào cuối năm nay.

Vài ngày sau thông báo từ Brussels, ước tính có khoảng 60.000 người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Tbilisi để bày tỏ sự thất vọng và yêu cầu gia nhập EU.

'Chậm một bước'

Nhưng nỗ lực trình bày của Gruzia không đủ thuyết phục các nhà lãnh đạo EU.

Cuộc họp tại Brussels vào 23.6 vừa qua, lãnh đạo 27 quốc gia đã quyết định tán thành cách tiếp cận của Ủy ban và bỏ rơi Gruzia trong tình trạng không có tư cách là quốc gia ứng cử viên vào EU.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: “Gruzia đã đi chậm một bước”.

Bất chấp những thất bại, Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili đã ghi nhận tích cực, nói rằng việc công nhận vị thế là “triển vọng của châu Âu” cũng là một "bước đi vô cùng lịch sử".

tt-gruzia.jpg
Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili

"Bây giờ, chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với quyết tâm trong những tháng tới để đạt được vị trí ứng cử viên", bà Zourabichvili cho biểt.

Bà Zourabichvili sau đó đã tham gia cùng các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp trực tuyến và cảm ơn họ về quyết định nói trên.

Vào cuối hội nghị thượng đỉnh, Michel bày tỏ hy vọng rằng Gruzia sẽ có thể tiến tới những cải cách cần thiết và Hội đồng châu Âu cuối cùng sẽ cấp tư cách ứng cử viên, mặc dù ông tránh đưa ra một thời hạn cụ thể.

Michel nói: "Chúng tôi rất sát cánh với tất cả các tổ chức của Gruzia để họ đạt được tiến bộ. Tôi tin rằng nếu có ý chí trong bối cảnh chính trị ở Gruzia, thì họ có thể đạt được những tiến bộ to lớn. Họ biết chính xác những gì cần thiết để thực hiện các bước đi đúng hướng".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết "mong muốn to lớn" của Gruzia được gia nhập khối là "động lực mạnh nhất" hướng tới hội nhập châu Âu.

Bà Von der Leyen nói thêm: "Đã có rất nhiều tiến bộ về chính trị, bây giờ điều cần thiết là thực hiện một vài cải cách quan trọng và thể hiện sự thống nhất về chính trị, gắn kết xã hội chính trị và tiến tới những cải cách này và các bước tiếp theo sẽ nằm trong tầm tay".

Có mặt tại đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các nhà lãnh đạo đồng cấp của ông đã nhìn thấy "ý chí của những người dám bước ra ngoài, gửi lời kêu gọi tới châu Âu".

Ủy ban dự kiến sẽ báo cáo lại với Hội đồng châu Âu về các bước thực hiện của chính phủ Gruzia vào cuối năm nay. Các nhà lãnh đạo EU sau đó sẽ sử dụng báo cáo này để xác định xem liệu họ có muốn cấp tư cách ứng viên cho Gruzia hay không, một bước cần sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.

Chiến tranh Nam Ossetia 2008 là cuộc chiến tranh trên bộ, trên không và trên biển giữa một bên là Gruzia và một bên là các khu vực ly khai, Nam Ossetia và Abkhazia, cùng với Liên bang Nga. Nó được xem là cuộc chiến tranh châu Âu đầu tiên trong thế kỷ 21.

Những cuộc chạm súng lẻ tẻ đã bùng nổ thành một chiến vào sáng sớm ngày 7 tháng 8 năm 2008, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Gruzia vào khu vực ly khai Nam Ossetia. Ngày hôm sau quân đội Nga đã tấn công lại các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi sau đó tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia.

Một thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ đã được Gruzia và Nga ký kết vào ngày 15 tháng 8 năm 2008.

Anh Tú (dịch)