Lòng tham không phải là ham muốn - nó là một căn bệnh

Văn hóa - Ngày đăng : 11:10, 25/06/2022

Tôi bắt đầu nhận ra lòng tham ảnh hưởng nhiều tới cuộc đời mình như thế nào và những đau khổ mà nó mang lại. Ngài có thể giúp làm sáng tỏ hơn về thứ được gọi là lòng tham này không?

Chỉ cần hiểu được bản chất của lòng tham là đủ. Bạn không cần làm gì khác để thoát khỏi nó; chính sự hiểu biết về bản chất của lòng tham sẽ làm sáng tỏ đống lộn xộn này.

Lòng tham đến từ đâu?

Tôi từng sống chung nhà với một người bạn. Ông ấy giàu có, sở hữu một ngôi nhà, và có một khu vườn xinh đẹp nằm ở khu dân cư tốt nhất thành phố. Nhưng tôi đã không thể tin vào mắt mình khi bước vào ngôi nhà đó; ông ấy có quá nhiều đồ linh tinh chất đống nhiều đến nỗi không có chỗ nào để ở. Ngôi nhà rất lớn, nhưng đống đồ của ông ấy còn lớn hơn - và đó là một bộ sưu tập toàn những thứ vớ vẩn. Ông ấy mua bất cứ thứ gì nhìn thấy ngoài chợ. Tôi hỏi: “Ông định làm gì với những thứ này?”.

Ông ấy nói: “Ai mà biết được, một ngày nào đó biết đâu ta lại cần đến”.

“Nhưng chúng ta phải sống ở đâu trong ngôi nhà này?”, tôi hỏi tiếp. Có quá nhiều đồ nội thất thuộc đủ mọi thời kỳ… Người đàn ông này không bao giờ thấy đủ; ông ấy mua mọi thứ, những thứ ông ấy không cần, kể cả những chiếc radio hỏng, bởi vì ông ấy có thể mua chúng với giá rẻ.

Tôi nói với ông ấy: “Nếu tôi ở trong ngôi nhà này, chỗ của tôi phải trống không”. Và ông ấy rất vui vẻ dọn mọi thứ đi. Ngôi nhà đã chật ních đồ đạc tới mức không còn lối đi, nhưng ông ấy vẫn chuyển hết đồ sang phía của mình. Ông ấy có quá nhiều đồ nội thất đến nỗi phải chất đống chúng trên ghế sofa, và không còn chỗ ngồi trên chiếc ghế đó. Tôi hỏi: “Tại sao ông phải làm vậy?”.

Ông ấy nói: “Anh không hiểu đâu - tôi mua được tất cả những thứ này với giá rất rẻ! Và một ngày nào đó, tôi có thể sẽ kết hôn, sẽ có con và các con của tôi có thể cần đến chúng. Đừng lo, mọi thứ sẽ có ích vào một lúc nào đó”.

quote_hieu_osho-4-.jpg

Ngay cả khi đi trên đường, nếu nhìn thấy bất cứ thứ gì bị ai đó vứt bên vệ đường, ông ấy sẽ nhặt về. Một ngày nọ, khi đang cùng tôi đi bộ từ vườn về nhà, ông ấy nhìn thấy một chiếc ghi-đông xe đạp và nhặt lên. Tôi hỏi: “Ông sẽ làm gì với cái ghi-đông đó?”.

Ông ấy đáp: “Tôi sẽ cho anh thấy”. Tôi đi theo ông ấy, và ở trong phòng tắm, ông ấy có một chiếc xe đạp gần hoàn chỉnh - chỉ thiếu một vài phụ kiện. Ông ấy giải thích: “Tôi nhặt những món này trên đường và tôi sẽ ráp chúng lại với nhau. Giờ chỉ còn thiếu một vài phụ kiện nữa thôi. Còn thiếu dây xích và yên xe, nhưng tôi sẽ sớm tìm được thôi. Ai đó sẽ vứt những món này vào một ngày nào đó. Tôi còn cả đời, và chuyện này đâu có hại gì đâu?”

Lòng tham chỉ đơn giản là bạn cảm thấy có một sự trống rỗng sâu hoắm và bạn muốn lấp đầy nó bằng mọi thứ có thể - bất kể những thứ đó là gì. Một khi hiểu được điều này, bạn không cần làm gì với lòng tham. Bạn phải làm gì đó để giao hòa với cái toàn thể để sự trống rỗng bên trong biến mất. Khi đó, toàn bộ lòng tham sẽ biến mất.

Không thể tiêu diệt lòng tham

Điều đó không có nghĩa là bạn bắt đầu sống cảnh không có gì trong tay; nó chỉ có nghĩa là bạn không sống chỉ để thu thập mọi thứ. Nhưng khắp nơi trên thế giới này đều có những người điên, và họ đang thu nhặt mọi thứ. Ai đó đang thu thập tiền dù anh ta không bao giờ sử dụng đến.

Chuyện này thật kỳ lạ - đồ vật phải được sử dụng; nếu bạn không cần dùng tới nó thì bạn cũng không cần có nó. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra theo mọi chiều hướng: người ta đang ăn; họ không thấy đói nhưng vẫn tiếp tục nuốt thức ăn. Họ biết làm vậy họ sẽ khổ, họ sẽ bệnh, họ sẽ bị thừa cân, nhưng họ không thể tự ngăn mình. Kiểu ăn uống này cũng là một quá trình lấp đầy. Vì vậy, có thể có nhiều cách để lấp đầy sự trống rỗng, mặc dù nó không bao giờ đầy - nó vẫn trống rỗng, và bạn vẫn đau khổ bởi bạn không bao giờ thấy đủ. Bạn sẽ cần có nhiều hơn, và cái “nhiều hơn” đó cùng với nhu cầu có được nhiều hơn sẽ kéo dài đến vô tận.

Tôi không xem lòng tham như một ham muốn - nó là một căn bệnh. Nếu hiểu lầm lòng tham là ham muốn, vậy thì bạn sẽ cố kìm nén nó: “Đừng tham lam”. Vì vậy, người ta chuyển sang một thái cực khác, đó là từ bỏ. Người có lòng tham lam thì tích lũy, còn người muốn tiêu diệt lòng tham thì bắt đầu từ bỏ. Và chuyện này cũng không có hồi kết.

dscf7483.jpg

Với tôi, lòng tham không phải là ham muốn. Vì vậy, bạn không cần phải làm gì với lòng tham. Bạn phải hiểu được sự trống rỗng mà mình đang tìm cách lấp đầy và tự hỏi “Tại sao mình trống rỗng? Toàn bộ sự hiện hữu thật tràn đầy, tại sao mình lại trống rỗng? Có lẽ, mình đã lạc lối - mình không còn di chuyển theo cùng một hướng, mình không còn tồn tại. Đó là nguyên nhân gây ra sự trống rỗng của mình”.

Vì vậy, hãy buông bỏ, và hãy đến gần hơn với sự hiện hữu trong bình yên và tĩnh lặng, trong thiền định. Và một ngày nào đó, bạn sẽ thấy mình đong đầy - tràn đầy, tuôn chảy - niềm vui, hạnh phúc, phước lành. Bạn đủ đầy đến mức có thể chia sẻ với cả thế giới mà vẫn không cạn. Khi đó, lần đầu tiên trong đời, bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ sự tham lam nào - đối với tiền bạc, thức ăn, mọi thứ, bất kỳ thứ gì. Bạn sẽ sống, không phải với một lòng tham không bao giờ có thể khỏa lấp, một vết thương không bao giờ có thể chữa lành. Bạn sẽ sống tự nhiên, và khi cần bất cứ điều gì, bạn sẽ tìm được nó.

H.V