Kinh tế Sri Lanka sụp đổ và những hệ lụy tiêu cực xảy ra
Chuyển động - Ngày đăng : 15:41, 25/06/2022
Đảo quốc 22 triệu dân này cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, cúp điện thường xuyên, và những điều này khiến xảy ra những cuộc biểu tình phản đối – đôi khi dẫn đến bạo lực - nhằm đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Sri Lanka đang lâm cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1948, và hồi tuần trước, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe giải trình trước quốc hội rằng “nền kinh tế của chúng ta đã sụp đổ hoàn toàn”, Sri Lanka không thể mua dầu và các nước miễn cưỡng bán nhiên liệu cho đảo quốc ở Nam Á này.
Vậy đây là những gì xảy ra khi nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ:
Người dân thiếu ăn
Do Sri Lanka nặng nợ, không có nguồn ngoại hối cần thiết để thanh toán những hàng hóa cơ bản như thức ăn, thuốc men và xăng dầu từ cuối năm 2021, cùng với giá thịt, cá, sữa tăng vọt, Liên Hợp Quốc đã nói gần 5 triệu dân đang thiếu ăn, phải bán tư trang như đồ kim hoàn để có thức ăn. Trong số đó có khoảng 56.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.
Sự bất an lương thực còn nặng nề thêm bởi lệnh cấm sử dụng phân bón hóa học hồi năm ngoái đã làm giảm 50 %. sản lượng nông nghiệp.
Các bếp ăn cộng đồng đã mọc lên ở thủ đô Colombo cùng các nơi khác, cấp phát thức ăn miễn phí, nhưng sự chuẩn bị cho hoạt động này cũng là một vấn nạn lớn : bình gas nấu ăn bị thiếu hụt nghiêm trọng nên nhiều người phải dùng củi nấu ăn tại nhà. Đã có nhiều thông tin người dân té xỉu và tử vong khi xếp hàng nhiều giờ trong cái nóng gay gắt để chờ mua được xăng dầu hoặc bình gas.
Cạn nguồn nhiên liệu
Từ nhiều tháng qua, các chủ xe phải xếp hàng dài nhiều km trong nhiều giờ chờ mua xăng-dầu, thường xuyên phải chờ suốt đêm. Trong số này có nửa triệu tài xế xe 3 bánh chở khách. Theo các tờ báo, đã có 10 người chết trong lúc ngồi trong xe chờ suốt 12 giờ hoặc hơn.
Trong khi kho nhiên liệu cạn kiệt thì giá bán lại tăng cao. Vài tuần qua có được một ít lượng nhiên liệu đến Sri Lanka nhờ Ấn Độ cho vay 4 tỉ USD.
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekara nói 40.000 tấn dầu đến Sri Lanka hôm 23.6 và một khối lượng hạn chế được phân phát trong hai ngày kế tiếp. Nhưng Thủ tướng Wickremesinghe thừa nhận việc giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu “phải mất một thời gian”, vì Sri Lanka không thể có 550 triệu USD mỗi tháng để mua xăng-dầu.
Các bệnh viện bên bờ tê liệt
Việc thiếu xăng-dầu đang tác động đến khả năng đi làm của các bác sĩ, y tá cùng các nhân viên y tế. Một bệnh viện chữa ung thư lớn của Sri Lanka đã phải cảnh báo sắp tê liệt hoạt động, và các bệnh viện khác phải hủy-hoãn những ca mổ tim, mổ thận.
Việc không có ngoại hối dự trữ cũng khiến Sri Lanka thiếu trầm trọng các loại thuốc, vitamin và thuốc bổ cho phụ nữ có thai, các dụng cụ y tế như ống chích, túi máu...
Các bác sĩ cũng bị giảm 20% lương nên các bệnh viện đối diện tình cảnh mất nhân sự vốn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu ra nước ngoài hành nghề.
Những vụ bạo lực
9 người đã bị giết trong vụ bạo lực lớn nhất hôm 9.5, do người ủng hộ chính phủ kích động tấn công người biểu tình ngoài văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay giải tán người biểu tình đòi ông Rajapaksa từ chức tổng thống.
Có thông tin về những vụ đánh nhau ở các trạm xăng, gồm một tài xế xe máy bị một tài xế xe tuk-tuk chở khách đâm chết hồi tháng 3. Cùng tháng này, một bé gái 12 tuổi bị đánh dã man vì trộm sữa bột tại một cửa hiệu.
Trường học phải đóng cửa
Chính phủ Sri Lanka ra lệnh công chức chính quyền làm việc ở nhà trong hai tuần kể từ ngày 20.6, do tình hình thiếu xăng dầu nghiêm trọng. Họ được khuyến khích trồng rau tại nhà.
Trong khoảng 1 triệu công chức chính phủ, chỉ có những người làm ở các dịch vụ thiết yếu - như chăm sóc sức khỏe- mới tiếp tục làm việc tại cơ quan của họ. Các cơ quan chính quyền, trường học đều đóng cửa, các phương tiện vận chuyển công cộng ngưng hoạt động.
Chính phủ Sri Lanka còn cho phép công chức ra nước ngoài nghỉ phép không lương trong 5 năm tới, để họ có thể gởi tiền về nước. Đã có những hàng dài người ngủ chờ lấy hộ chiếu ở các cơ quan di trú.
Chính phủ Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói bảo lãnh, và Sri Lanka cũng đang nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD, khoản nợ mà nước này đã vỡ nợ vào tháng 5 do dự trữ ngoại tệ đã cạn kiệt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Sri Lanka không thể mong đợi một lượng tiền lớn, cho dù đó là cầu nối tài chính hay viện trợ nhân đạo, để giải thoát nhanh chóng khỏi sự sụp đổ.
Nhà nghiên cứu Anush Wijesinghe ở Viện Nghiên cứu Chính sách Sri Lanka nói : “Chúng tôi phải thực tế và nhìn vào những diễn biến lớn hơn trên thế giới, với những sức ép dồn lên Ukraine, châu Phi... Sri Lanka chỉ là một chấm nhỏ nhoi trên màn hình so với các thách thức lớn khác cấp toàn cầu”.