Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 7 dự án trọng điểm

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:02, 25/06/2022

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã cam kết đồng hành, đưa thành phố bứt phá, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cam kết đồng hành

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 chiều 25.6, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, đến nay, có khoảng 216 hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào TP.Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư lên tới 800 triệu USD.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, hoạt động tại Đà Nẵng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển như ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin... như Công ty TNHH Sản xuất Murata, Mabuchi Motor, Công ty Fujikin, Công ty Renesas... Trong lĩnh vực bán lẻ, Aeon Mall cũng đang cân nhắc mở thêm các trung tâm thương mại, góp phần nâng cao môi trường sống của người nước ngoài tại Đà Nẵng.

thu-tuong-1-1656155290029547178707.jpg
Thủ tướng bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai để các nhà đầu tư tới Việt Nam với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, các bên đều chiến thắng - Ảnh: VGP

Ông Yamada Takio nhìn nhận, Đà Nẵng có lợi thế giá thuê khu công nghiệp rẻ, nguồn nhân lực dồi dào. "Diễn đàn lần này là một dịp rất đúng lúc và cần thiết. Tôi mong rằng sẽ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của TP bằng cách lắng nghe các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng để nơi đây ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa", ông nói.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - bà Carolyn Turk nhận thấy Đà Nẵng đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới và đã đặt ra tầm nhìn để tăng cường hơn nữa vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ thúc đẩy sự phát triển của khu vực, đồng thời trở thành một thành phố xanh, có khả năng chống chịu và đáng sống.

Để đạt được tầm nhìn này, bà Carolyn Turk cho rằng, TP cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công. Đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, bao gồm động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài.

"Chúng tôi tin rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ và tận tâm của lãnh đạo TP.Đà Nẵng và cam kết mang kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu, vị thế và năng lực tài chính của mình để làm việc với TP, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và tất cả các bên liên quan vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng", bà Carolyn Turk khẳng định.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn lao động, các chính sách phát triển cho các khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị... Song, để phát triển thì Đà Nẵng cần xác định một trong các mũi nhọn chiến lược là phải trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm các công nghệ mới, trung tâm phát triển game, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sumitomo Khu vực châu Á và châu Đại Dương Keigo Shiomi thông tin, Tập đoàn Sumitomo đã ký kết biên bản ghi nhớ với TP.Đà Nẵng vào tháng 11.2021 về phát triển cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng. Hiện, Tập đoàn đang trong quá trình nghiên cứu dựa trên Biên bản ghi nhớ với sự hợp tác của TP.Đà Nẵng. Tập đoàn mong muốn tận dụng triệt để thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án được phê duyệt ngày hôm nay để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

"Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội hiện thực hóa các dự án thuộc Biên bản ghi nhớ để góp phần phát triển TP.Đà Nẵng trở thành một trong những TP phát triển hàng đầu châu Á. Chúng tôi rất vui mừng được biến dự án này thành một dự án mang tính biểu tượng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam", ông Keigo Shiomi chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki nhìn nhận, Đà Nẵng là một trong những TP lớn của Việt Nam bên cạnh Hà Nội và TP.HCM. Nhu cầu tiêu dùng và thu nhập của người dân Đà Nẵng đang tăng lên từng ngày trước sự tăng trưởng của nền kinh tế.

"Hiện, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động của trung tâm mua sắm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện thực hóa MOU đã ký trong thời gian sớm nhất", ông Nakagawa Tetsuyuki nói.

7 dự án động lực, trọng điểm kêu gọi đầu tư

Để hiện thực hóa định hướng, TP.Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư 7 dự án trọng điểm sau:

- Dự án Cảng Liên Chiểu

Cảng biển Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Dự án gồm 2 hợp phần, hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9.2022, hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44 ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

- Dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp

Hiện nay, Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực.

- Dự án Không gian sáng tạo Đà Nẵng

Khu đất phát triển Dự án nằm trong Khu dân cư thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ với tổng diện tích 17,26 ha. Khu đất đã được giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2022.

- Dự án Trung tâm thương mại quốc tế

Với định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của cả nước với hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối hiện đại và đồng bộ, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước; thành phố tập trung kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm thương mại quốc tế tại 3 vị trí.

- Dự án bệnh viện quốc tế

TP.Đà Nẵng quy hoạch Khu đất tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà với diện tích gần 1 ha, cách trung tâm thành phố 4km để phát triển cơ sở y tế chất lượng cao. Hiện nay, thành phố đang khẩn trương triển khai thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất và dự kiến tổ chức đấu giá cuối năm 2022.

- Dự án Viện dưỡng lão

TP.Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Viện dưỡng lão tại khu đất thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ với diện tích khoảng 1,1 ha. Khu đất đã được giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án đấu giá. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai thủ tục tiếp theo và dự kiến tổ chức đấu giá trong Quý 3/2022.

- Dự án Trường liên cấp quốc tế

Với định hướng tạo lập môi trường sống lý tưởng không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân thành phố mà còn phục vụ nhu cầu giáo dục chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế cho con em chuyên gia, nhà đầu tư tại Đà Nẵng, thành phố kêu gọi đầu tư dự án Trường liên cấp tại 2 vị trí.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thông tin, trong khuôn khổ của Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 sẽ công khai thông tin về kế hoạch, tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thông tin quỹ đất và các dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện; đồng thời sẽ thảo luận một số giải pháp trọng tâm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai, đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần "chân thành, tin cậy và trách nhiệm", "đã nói là làm, đã làm là hiệu quả", luôn "tự hào và vinh dự" khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, cùng nhau chiến thắng,"lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tăng trưởng quý 2/2022 của TP. Đà Nẵng đạt 12,37%, 6 tháng đầu năm tăng 7,23%, thu ngân sách đạt gần 70% so với dự toán. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng 16,3%, với 49 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp cao gấp 2,24 lần so với năm 2020.

Đối với thu hút đầu tư trong nước, TP đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 7.700 tỉ đồng (7.748 tỉ đồng), tăng 35% về số dự án.

Tuyết Nhung