Tàu cá nằm bờ vì tiền cá không bù được chi phí xăng dầu
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:20, 26/06/2022
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB-XH mới đây, Bộ NN-PTNT đã thông tin về những tác động của việc giá xăng, dầu tăng cao đối với hoạt động của các tàu khai thác thủy sản, đồng thời kiến nghị các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân đang có tàu cá nằm bờ, tạm dừng hoạt động.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến ngày 31.12.2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản, đã tăng lên 60,5%.
Cụ thể, ngày 25.12.2021, giá dầu diesel là 17.579 đồng/lít nhưng đến ngày 20.6.2022 là 29.020 đồng/lít, tăng 11.441 đồng/lít. Theo tính toán, chi phí nhiên liệu đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường đã tăng khoảng 3.776 tỉ đồng/tháng so với trước đây.
Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, do giá nhiên liệu tăng cao nên số tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40-55% tổng số phương tiện, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.
Bộ NN-PTNT cho rằng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào là tác động trực tiếp của giá xăng dầu tăng cao. Số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Ngoài ra, tình trạng tàu khai thác thủy sản nằm bờ cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong khi ngành này đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nước ta. Sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3,435 tỉ USD.
Trong bối cảnh này, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh cần thiết phải hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng một khi xăng dầu tăng giá, tăng liên tiếp với biên độ mạnh trong 1 thời gian ngắn, trước hết nó sẽ có tác động ngay tức thì đối với giá thành của các phương tiện vận chuyển hàng hoá và vận tải công cộng khác.
Theo ông Phú, chi phí xăng dầu chiếm đến 35-40% trong chi phí vận chuyển. Trong vài tháng qua, một số đơn vị vận tải tuy có bị lỗ song cũng vẫn cân nhắc trong việc tăng giá cước để đảm bảo hoạt động bình thường. Đó là điều trăn trở, khó khăn nhất trong 5 tháng vừa qua.
Đối với ngư dân, ông Phú cho rằng nhiều tàu thuyền đã tạm nằm bờ vì đánh bắt với giá xăng dầu cao, không đủ bù đắp chi phí khi bán sản phẩm thu được. Có những tỉnh như Khánh Hòa, Thanh Hóa có đến 50% tàu cá không hoạt động. Giá các loại thuỷ sản khác bán ra không tăng được mấy, đó là điều mà ngành đánh bắt xa bờ gặp khó khăn so với vài năm trước đây.
“Nhìn chung trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng đang gặp những tình trạng tương tự kể trên. Đây là giai đoạn khó khăn nhất sau 2 năm đại dịch vừa qua, các đơn vị chưa kịp hồi phục thì tác động của giá xăng dầu đã bồi thêm những khó khăn mới cho họ”, ông Phú nhấn mạnh.
Trong khi đó, thu nhập của người nghèo, công nhân, nông dân, người về hưu đang ở mức độ rất khiêm tốn, thậm chí đi làm còn chưa đủ trang trải hàng ngày cho gia đình. Những quyết định tăng thu nhập có lúc không đủ bù đắp tình hình trượt giá ngoài xã hội, những số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê thường kỳ thực chất chưa phản ảnh đầy đủ tình hình lạm phát thực tế ở nước ta.
Đối với việc giảm giá xăng dầu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với mặt hàng này và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.