G7 phải làm gì để duy trì chiến tranh tốn kém trước tình trạng tham nhũng ở Ukraine?
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:21, 27/06/2022
Mỹ và các đối tác trong Nhóm G7 phải sử dụng hội nghị thượng đỉnh Bavaria bắt đầu từ Chủ nhật để lên kế hoạch cho chiến dịch quan trọng tiếp theo trong cuộc chiến Nga-Ukraine: trận chiến cho sự tồn tại và tái thiết kinh tế của Ukraine.
Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao. Đạn pháo binh và hậu cần chiếm ưu thế. Nếu cả hai bên đều duy trì ý chí của mình, khả năng phục hồi kinh tế có khả năng định đoạt kết quả.
Nền kinh tế của Moscow dù suy giảm, nhưng việc bán hàng hóa của Nga sẽ giúp cỗ máy của Tổng thống Vladimir Putin được cung cấp khả năng duy trì cuộc chiến trong một thời gian dài. Mặt khác, năng lực sản xuất của Ukraine đã giảm từ 40 đến 50%. Gần 13 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa. Kyiv không thể xuất khẩu phần lớn thu hoạch để kiếm ngoại tệ. Các phỏng đoán lạc quan nhất cũng là Ukraine cần hỗ trợ từ 5 tỷ đến 6 tỉ USD mỗi tháng chỉ để duy trì hoạt động. Những người Ukraine đã phải rất cố gắng duy trì bộ máy và nỗ lực trên chiến trường nhưng cũng phải có thực mới vực được đạo.
G-7 phải tạo ra và cam kết thực hiện một kế hoạch kinh tế trị giá hàng trăm tỉ USD cả công lẫn tư để làm được nhiều việc hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu nhân đạo lúc này của Ukraine. Một cuộc huy động kinh tế với quy mô đó sẽ báo hiệu cho Moscow rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến tài chính chống lại một liên minh mà họ không thể đánh bại. Một cam kết như vậy, kết hợp với kế hoạch phục hồi và tái thiết, sẽ mang lại hy vọng cho người dân Ukraine.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, một mạng lưới các nhà kinh tế có trụ sở tại London, khuyến nghị ba giai đoạn: viện trợ khẩn cấp; khôi phục nhanh chóng cơ sở hạ tầng và dịch vụ quan trọng; và xây dựng nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Công trình dự đoán luôn chi phí nhân lực trong bối cảnh các gia đình bị chia rẽ, sự gián đoạn lực lượng lao động và việc trẻ em mất học, bên cạnh các nhu cầu về cơ sở hạ tầng vật chất. Lộ trình trở thành thành viên tương lai của Liên minh châu Âu của Ukraine cũng đòi hỏi việc tích hợp cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn, đầu tư tư nhân nước ngoài và chuỗi cung ứng.
Ukraine phải đồng sở hữu kế hoạch này. Để làm được như vậy, Ukraine cần phải đối mặt với những trở ngại đã cản trở các cuộc cải cách kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991: tham nhũng, sự thống trị của các nhà tài phiệt chống lại thị trường cạnh tranh, thao túng ngành năng lượng và chảy máu nhân tài. Tính minh bạch và việc sử dụng các ứng dụng dành cho thương mại điện tử cần được hỗ trợ bởi các thẩm phán quốc tế trong quá trình chuyển đổi, có thể chống lại hành vi sao chép và trộm cắp. Phân cấp tài khóa sẽ giúp cơ quan giám sát của người dân biết được các khoản chi tiêu.
Khi các điều kiện an ninh cho phép Ukraine có tầm nhìn xa hơn các trường hợp khẩn cấp, thì cần khuyến khích phục hồi nhanh chóng các chương trình viện trợ, với điều kiện là có trách nhiệm giải trình và đạt được các mốc quan trọng có thể đo lường, kiểm chứng. Để khởi động đời sống kinh tế, Ukraine - giống như châu Âu vào năm 1948 - cần có nơi ăn chốn ở cơ bản, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội như trường học và cơ sở y tế, và các yếu tố đầu vào chính cho sản xuất. Viện trợ phải thông qua viện trợ không hoàn lại, không phải cho vay; khoảng 90% hỗ trợ của Kế hoạch Marshall là các khoản tài trợ.
Với sự phục hồi tốt, công cuộc tái thiết của Ukraine mang lại tiềm năng to lớn. Đất nước này có trình độ giáo dục cao; thế giới đã chứng kiến khả năng công nghệ và kỹ thuật số mạnh mẽ của Ukraine. Năng lực sản xuất hiện đại, được thiết kế cho một tương lai không carbon, sẽ phục vụ tốt cho thế giới.
Các nước G-7 ở Bavaria cần phải nhất trí về một cơ quan điều phối nỗ lực này với sự hợp tác của Ukraine. Ủy ban Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc đều nên tham gia, nhưng phải có người phụ trách. Một nhà tổ chức trung tâm sẽ giúp tránh nhầm lẫn và chồng chéo lãng phí, tiết kiệm thời gian của các quan chức bị quá tải ở Kyiv và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Kế hoạch Marshall tạo ra một cơ quan độc lập sẽ đóng cửa ngay khi nó hoàn thành công cuộc; liên minh châu Âu. nên xem xét việc thiết lập một mô hình như vậy.
G-7 cần tích hợp kinh tế với chiến lược địa chính trị. Quá cảnh Biển Đen đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu ngày nay cũng như đối với địa lý kinh tế trong tương lai của Ukraine. G-7 và Thổ Nhĩ Kỳ nên đề xuất và nếu cần, đảm bảo và bảo vệ lối đi trung lập để cung cấp thực phẩm; trong tương lai, bất kỳ dàn xếp nào cũng phải đảm bảo quyền đi lại hàng hải của Ukraine. Liên minh cũng nên khuyến khích Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho công cuộc tái thiết và tránh xa Nga. G-7 cũng phải hỗ trợ các nước đang phát triển đối mặt với lương thực, năng lượng, khí hậu, COVID-19 và các mối đe dọa khác đối với khả năng phục hồi. Nếu không, các nước phương nam sẽ kết luận rằng sự đồng cảm của G-7 chỉ dành cho những người trông giống như những người trong G-7 mà thôi.
Bắc Mỹ và E.U. đã duyệt chi số tiền lớn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của G-7 cần phải quyết định xem họ có muốn Ukraine tồn tại - và cuối cùng thịnh vượng - với tư cách là một nền dân chủ độc lập, có chủ quyền hay không. Các cơ quan lập pháp và dư luận của họ có nhiều khả năng duy trì quyết tâm chiến đấu hơn nếu các chính phủ (G7) có thể giải thích cách thức hỗ trợ hiện đang góp phần vào một kế hoạch mạch lạc cho đến khi Ukraine tìm thấy chiến thắng.
Cuối cùng, G-7 nên tuyên bố rằng Nga phải bồi thường Ukraine theo luật quốc tế. Trong Thế chiến thứ hai, những khoản vay đã giúp các đồng minh giành chiến thắng. G-7 cần xây dựng kinh nghiệm đó bằng cách quyết tâm cung cấp cho Ukraine các phương tiện để giành chiến thắng trong cả các chiến dịch quân sự và kinh tế.