Vụ 100 container hạt điều bị lừa: Vẫn còn 'treo' 150 tỉ đồng tiền cọc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:53, 27/06/2022

Mặc dù các doanh nghiệp hạt điều Việt Nam đã lấy lại được số hàng nhưng vẫn còn "treo" khoảng 150 tỉ đồng tiền cọc ở các hãng tàu.
3a-16473966965341283207321.jpg

Liên quan đến vụ 100 container hạt điều nghi bị lừa đảo tại Ý, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, kết quả toàn bộ 35 container đã được phán quyết quyền chủ sở hữu thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn 30 container của 3 doanh nghiệp đã được các hãng tàu trả lại nhưng các hãng tàu đang giữ tiền cọc/bảo lãnh (thời hạn 18 tháng đến 6 năm).

Theo ông Nhựt, mỗi một container điều có giá trị khoảng 4 tỉ đồng, tiền cọc/bảo lãnh 125%-150% giá trị lô hàng thì doanh nghiệp ít nhất phải chi khoảng 5 tỉ đồng/container, 30 container tương đương khoảng 150 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Vinacas cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Ý, luật sư của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đôn đốc, thực hiện các thủ tục pháp lý để cơ quan chức năng nước sở tại tiếp tục ra các phán quyết, quyết định yêu cầu các hãng tàu phải trả lại tiền đặt cọc/bảo lãnh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo Vinacas cũng khuyến cáo: "Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu phải lựa chọn nhà môi giới có uy tín, tránh trường hợp phải nhờ đến nhiều cơ quan ban ngành phải vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp như trong vụ việc xuất khẩu điều sang Ý vừa qua. Dù vụ việc kết thúc thành công nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang bị chôn vốn rất lớn từ tiền cọc bị treo lại".

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết toàn bộ các container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Ý đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Kết quả giải quyết vụ việc như sau: Trong số 100 container của 6 công ty xuất khẩu Việt Nam ký hợp đồng bán cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Ý. Ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đạo, các doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 container.

Trong số 74 container đã giao hàng xuống tàu thì có 39 container phía ta đã kịp thời dừng một số container tại cảng transit ở Singapore... cho quay trở lại Việt Nam. Một số container đã và đang trên đường đến cảng ở Ý thì chúng ta đề nghị đơn vị chuyển phát chứng từ giao lại những bộ chứng từ gốc chưa giao cho ngân hàng người mua.

Trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc thì đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Ý hoặc bán sang nước thứ ba.

Với 5 container còn nằm lại tại cảng Ý, sau một quá trình làm việc với các cơ quan chức năng của Ý, ngày 27.5, Tòa án dân sự Larino đã ra phán quyết trả lại quyền sở hữu của 3 container nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này. Ngày 15 và 16.6, Cảnh sát Kinh tế - Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vinacas cho biết, sau dịch COVID-19, tình hình xuất khẩu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn. Giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao, giá điều nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu... Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2022 ở mức khiêm tốn khoảng 3,2 tỉ USD, giảm 600 triệu USD so với năm 2021.

5 tháng của năm 2022, ngành xuất khẩu điều đạt trên 206.000 tấn điều nhân các loại, đạt kim ngạch trên 1,19 tỉ USD, giảm 7,81% về sản lượng và giảm 6,81% về trị giá. Tuy vậy, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/ tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuyết Nhung