Phúc thẩm vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Bị đơn dân sự xuất trình tài liệu mới

Sự kiện - Ngày đăng : 10:50, 27/06/2022

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, có 1 bị đơn dân sự xin xuất trình tài liệu mới.

Ngày 27.6, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 19 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của bị đơn dân sự và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Các bị cáo có đơn kháng cáo là nguyên lãnh đạo BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nguyên Kỹ sư nhà thầu tư vấn giám sát dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi… Theo đó, các bị cáo bị đưa ra xét xử với tội danh “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo thông tin tại phiên tòa, các bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kháng cáo đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên tài sản. Trong vụ án này, HĐXX xác định nguyên đơn dân sự là Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

pt-cao-toc.jpg
Các bị cáo tại phiên phúc 

Bị đơn dân sự được xác định là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Cienco1); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – Công ty CP (Cienco5); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 – Công ty CP (Cienco6); Công ty CP đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico); Công ty CP Tập đoàn CIENCO4; Tổng công ty Xây dựng Sông Đà; Tổng công ty Thăng Long.

Ngoài ra còn có Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Công ty Tuấn Lộc); Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành); Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát (Công ty Thành Phát); Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông).

Tại phiên tòa, đại diện Công ty Phương Thành xuất trình tài liệu mới. 

Theo bản án sơ thẩm, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP.Đà Nẵng đến TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Dự án được khởi công năm 2013, đến năm 2017 thì hoàn thành thông xe, được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I - 65km từ TP.Đà Nẵng đến TP.Tam Kỳ; ngày 2.9.2018 hoàn thành thông xe, được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn II - 74,2 km từ TP.Tam Kỳ - TP.Quảng Ngãi.

pt-cao-toc-2-.jpg
Phiên tòa được mở tại trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội 

Ở giai đoạn 1 của dự án có chiều dài là 65km với 7 gói thầu được VEC ký kết thực hiện thi công. Trong đó, gói thầu thứ nhất là liên danh 2 nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - Cienco 5 và Cienco 1 với giá trị hợp đồng là hơn 2.100 tỉ đồng.

Sau đó, liên danh nhà thầu đã phân chia phạm vi và khối lượng công việc. Cụ thể, Cienco 5 thi công các hạng mục, gồm cầu, đường, cống chui dân sinh, cống hộp thoát nước...; Cienco 1 thi công các hạng mục như Cienco 5 với tỉ lệ 45% giá trị hợp đồng.

Gói thầu thứ hai là liên danh 4 nhà thầu, gồm Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; Cienco 6; Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư xây dựng 703 với giá trị hợp đồng là hơn 2.400 tỉ đồng.

Gói thầu số 3B là liên danh 2 nhà thầu Cienco 6 và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 - Trico, với giá trị hợp đồng là hơn 1.500 tỉ đồng. Các gói thầu từ gói số 4 đến gói số 7 cũng do nhiều liên danh các nhà thầu tham gia.

Mặc dù giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo nhưng chủ đầu tư VEC cùng các đơn vị liên quan đã thanh toán số tiền hơn 811 tỉ đồng cho các đơn vị thi công.

Bản án sơ thẩm xác định đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

Nhã Thanh