Những cơ quan báo chí bảo thủ nhất cũng phải vào cuộc đua với mạng xã hội

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:50, 27/06/2022

Trong bối cảnh mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt thời lượng sử dụng internet thì báo chí cần phải thích ứng với xu thế không thể đảo ngược này.

Sáng nay 27.6, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội" với sự tham gia của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông qua mạng xã hội.

Theo thống kê và ước tính của báo Thanh Niên, trong năm 2022, thế giới sẽ dành ra 12.500 tỉ giờ để sử dụng internet, trong đó hơn 4.000 tỉ giờ sử dụng mạng xã hội. Do đó, chắc chắn rằng mạng xã hội vẫn đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống hằng ngày.

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 78 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội/năm. Ước tính, thời gian sử dụng mạng xã hội của mỗi người Việt Nam vào khoảng 2 giờ 34 phút mỗi ngày (chiếm 36,4% tổng thời gian trung bình sử dụng internet). Như vậy, mỗi người Việt Nam mỗi tháng trung bình dành 77 giờ để sử dụng mạng xã hội, và mỗi năm trung bình là hơn 936 giờ (tương đương 39 ngày).

Nhà báo Đỗ Thiện (Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng Báo Pháp luật TP.HCM) nhận định rằng báo chí đa nền tảng hiện tại đã là xu thế không thể đảo ngược. Đến năm 2020, Báo Pháp luật TP.HCM mới bắt đầu thực hiện đa nền tảng nằm trong chiến lược chuyển đổi số. Nhà báo Đỗ Thiện cho rằng “Các cơ quan báo chí bảo thủ nhất, chậm chạp nhất cũng đã phải vào "cuộc chơi" phát triển sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội”.

Tại hội thảo, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) nêu ra 2 câu hỏi lớn. Đầu tiên là việc lao động của nhà báo sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh báo chí tham gia truyền thông xã hội; liệu của những giá trị đã định khung của nhà báo có bị mất đi hay không? Câu hỏi thứ hai là việc chất lượng tin tức liệu sẽ đối mặt với những nguy cơ gì khi truyền thông trên mạng xã hội luôn thúc bách nhà báo phải chạy đua để đưa tin nhanh nhất có thể.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nêu thực trạng hiện nay không ít tòa soạn đang khích lệ phóng viên viết các bài báo ngắn hơn để xuất bản lên mạng xã hội, chạy đua với tốc độ đưa tin kiểu 24/7 vì lý do đơn giản là mạng xã hội thức 24/7.  Do vậy, các nhà báo phải thường xuyên chịu áp lực bắt kịp tốc độ phát tán tin tức trên mạng xã hội, phải đối mặt với vài ba mốc thời hạn trong mỗi ngày làm việc, phải theo đuổi để cập nhật diễn biến của bản tin suốt cả 24 giờ. Ông cho rằng thực tế đó chắc chắn là mối lo ngại lớn về nguy cơ giảm chất lượng của tin tức báo chí. Thậm chí, ông còn cảnh báo đó có thể là một hành động “tự hủy” của báo chí.

Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, việc tận dụng truyền thông xã hội để làm báo vừa mang đến cơ hội vừa là thách thức đối với các quy trình kiểm chứng truyền thống mà các nhà báo lâu nay hay áp dụng. Khả năng truy cập nhanh vào các nguồn tin trực tuyến, tiếp cận nhanh các nội dung chứng cứ đã giúp nhà báo dễ dàng xác minh nhiều bản tin, nhưng việc sản xuất các bản tin và hiệu ứng lan truyền trên truyền thông xã hội đã khiến tin tức không còn giữ được giá trị tiêu chuẩn của nó.

Hồ Đông