Khoai lang miền Tây vẫn chờ Trung Quốc "gật đầu"

Sự kiện - Ngày đăng : 19:20, 27/06/2022

Trong bối cảnh diện tích khoai lang giảm từ 14.000 ha còn dưới 1.000 ha do giá chạm đáy, chi phí sản xuất cao, địa phương có vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất miền Tây vẫn quyết giữ, phục hồi diện tích.

Ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết việc người dân bỏ trồng chỉ là giải pháp tình thế, khi giá phục hồi, người trồng sẽ trở lại ruộng khoai.

“Huyện đang nỗ lực tìm đầu ra bền vững cho khoai lang. Chúng ta phải tính đến những phương án lâu dài để bà con yên tâm trồng. Con đường xuất khẩu chính ngạch sẽ mang lại điều đó”, ông Tập nói và cho biết thị trường chủ yếu của khoai lang Bình Tân vẫn sẽ là Trung Quốc nhưng đang tìm cách xuất chính ngạch thay cho tiểu ngạch như trước đây.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng việc không xuất khoai chính ngạch dẫn đến giá bán thấp, người trồng từ lỗ đến lỗ nặng.

“Lỗ một, hai lần bà con còn ráng, qua lần thứ ba thì họ không dám trồng nữa. Cái khó nhất là thời gian qua là Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID nên không qua đàm pháp về việc cấp mã số vùng trồng khoai để nhập chính ngạch như đã hứa. Chúng ta giờ chỉ biết chờ”, ông Liêm nói.

anh-4.jpg
Vườn ổi bên cạnh ruộng khoai vừa thu hoạch - Ảnh: Nguyên Việt

Theo ông Liêm, trước đây Sở cùng UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT đã qua Trung Quốc đàm phán. Từ chỗ khoai lang Bình Tân không được chú ý đã được đưa vào nhóm xem xét ưu tiên để xuất chính ngạch, chỉ xếp sau sầu riêng.

“Về canh tác, bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật, giống, sâu bệnh, chế biến… đều đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, thủ tục, chỉ chờ Trung Quốc đồng ý”, ông Liêm nói và cho rằng khi khoai đi đường chính ngạch sẽ giảm được rất nhiều thuế, bà con sẽ bán được giá cao.

Theo ông Liêm, tiềm năng khoai lang Bình Tân còn rất lớn, từ 14.000 ha mở rộng đến 15.000-17.000 ha vẫn được. Dù vậy, ông vẫn nhìn nhận khoai lang vẫn đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Với các thị trường khác như Đài Loan, Malaysia, Singapore chỉ xuất được rải rác 1-2 container; còn Nhật Bản thì tiêu chuẩn khắt khe, rất khó vào.

anh-3(1).jpg
Người dân lên vườn hoặc chuyển sang trồng lúa thay cho khoai lang - Ảnh: Nguyên Việt

Trong khi khoai lang Bình Tân chờ cái “gật đầu” của Trung Quốc mới hy vọng được “đổi đời”, người dân ở xứ khoai vẫn đang chật vật giải quyết hậu quả của những vụ mùa bết bát. Việc chuyển đổi cây trồng tạm thời từ khoai sang lúa, hoa màu, cây ăn trái vẫn chưa thấy hiệu quả rõ ràng, đẩy nông dân vào tình trạng rối như tơ vò.

anh-nguyen-van-doan.jpg
Anh Nguyễn Văn Đoàn gánh món nợ hơn 600 triệu đồng sau những vụ khoai lang bết bát - Ảnh: Nguyên Việt

Chỉ tay về hơn 1 ha lúa vừa mới sạ, anh Nguyễn Văn Đoàn (47 tuổi, ngụ xã Tân Thành) kể, gia đình 4 người của anh có hơn 1 ha đất. Trước đây mỗi năm trồng lúa khoai xen canh cũng đắp đổi qua ngày.

“Đâu chừng gần chục năm về trước, tôi trồng khoai có bán một lần được hơn 1 triệu đồng/tạ (1 tạ bằng 60 kg). Đó là thời đỉnh cao nhất mà sản lượng lúc đó không cao, một công đất chừng hơn 20 tạ. Sau đó có mấy lần bán được 800-900 ngàn đồng/tạ, còn bây giờ thì te tua”, anh Đoàn nói.

15 năm gắn bó với cây khoai, mỗi vụ khoai, anh Đoàn vay mượn từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng để xuống giống. Sau khi bán cuối vụ, anh trả lãi rồi vay thêm tiền, thuê đất để trồng vụ tiếp theo. Ba năm nay do khoai rớt giá, tiền lãi chồng gốc, anh Đoàn không có khả năng trả nợ số tiền hơn 600 triệu đồng vay ngân hàng.

“Từ đầu năm đến nay tôi không đóng được số lãi hơn 40 triệu đồng. Ngân hàng vô tận nhà rồi mà biết lấy gì trả, cứ khất mãi. Bây giờ tôi kêu bán đất để trả dứt nợ, còn được phần nào thì lên vườn trồng cây ăn trái, không đeo bám củ khoai nữa”, anh Đoàn nói.

anh-nghia.jpg
Anh Nghĩa nợ ngân hàng 60 triệu đồng sau vụ khoai năm 2021 và không còn khả năng trả - Ảnh: Nguyên Việt

Nhìn hai công ruộng mới sạ gặp mưa chết gần nửa, anh Nguyễn Văn Nghĩa (44 tuổi, ở xã Tân Thành) chua chát nói 15 năm đeo đuổi khoai lang, đến nay anh đã không còn sức nữa. Năm ngoái, anh thuê thêm đất và thế chấp hai công đất của gia đình vay 60 triệu từ ngân hàng để trồng khoai. Cuối vụ anh bán khoai với giá 65.000 đồng/tạ, lỗ cả trăm triệu đồng.

“Đến đầu năm 2022, tôi phải vay bên ngoài để đáo nợ ngân hàng. Bây giờ, đóng lãi một quý chưa đầy 1,5 triệu đồng đã là khó khăn”, anh Nghĩa cho hay.

Năm nay, anh Nghĩa không trồng khoai nữa mà xuống giống lúa, nhưng phân thuốc đều lên cao, đất xấu... nên anh không còn trông mong gì. Đứa con gái lớn trong nhà đậu đại học, anh năn nỉ con nghỉ học đi làm công nhân để phụ gia đình trả nợ. Sáu miệng ăn trong nhà giờ chỉ trông chờ vào hai công lúa và những đồng lương còm cõi mà anh đi làm thuê mỗi ngày, còn số nợ 60 triệu đồng anh chưa biết tính sao.

anh-cao-van-nhuong-1.jpg
Anh Nhường chấp nhận bán đất để trả dứt nợ - Ảnh: Nguyên Việt

Vừa bán được 1,5 công đất trồng mít Thái gần nhà, anh Cao Văn Nhường (42 tuổi) ngậm ngùi cho biết: “Trồng khoai riết lỗ hết vốn rồi! Năm ngoái tôi vay tiền ngân hàng, thuê hơn 4 ha đất để trồng nhưng lỗ hơn 350 triệu đồng. Nhà còn ba công đất đã lên vườn, tôi bán đi một nửa để trả nợ. Ngân hàng đòi quá rồi, tôi gồng không nổi nữa”.

Nhiều nông dân ở xã Tân Thành chỉ biết bán đất để trả nợ. Tuy nhiên, đất của họ là đất ruộng trồng khoai nên không mấy ai để mắt đến. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng leo thang, những nông dân gắn bó với cây khoai bao nhiêu năm qua không biết phải lựa chọn cây trồng gì.

anh-1(1).jpg
Khoai lang Bình Tân vẫn chờ Trung Quốc gật đầu để xuất chính ngạch sang thị trường này - Ảnh: Nguyên Việt

Nói về việc cây khoai lang từng giúp bà con Bình Tân khá lên, nay chỉ hơn 2 năm rớt giá khiến người trồng lao đao, ông Nguyễn Văn Tập cho rằng chi phí đầu tư trồng khoai rất cao, do đó bà con dễ lâm vào tình huống “được ăn cả, ngã về không”.

“Huyện vận động bà con tạm thời chuyển sang trồng lúa, vì trước giờ người dân vẫn canh tác xen kẽ hai loại cây này trong lúc chờ cây khoai lang hoàn thiện các tiêu chí để xuất đi chính ngạch”, ông Tập nói.

Được biết, cây khoai lang được người dân Bình Tân trồng cách đây khoảng 60 năm, ban đầu là giống khoai lang trắng, sữa, sau đó mới đến khoai lang tím. Do thị trường nước ngoài ưa chuộng khoai lang tím nên bà con hầu hết trồng giống khoai này. Thấy được giá trị, địa phương đã quy hoạch để giữ diện tích vùng nguyên liệu khoai cách đây khoảng 20 năm.

Nguyên Việt