Sở Y tế TP.HCM: Bác sĩ 'quên bài' nên bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong cao
Sự kiện - Ngày đăng : 21:56, 27/06/2022
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 23.6 số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy là 18.976 ca (bao gồm 11.342 ca điều trị nội trú và 7.634 ca ngoại trú), tăng 151,6% so với cùng kỳ năm 2021 (7.542 ca); tăng 61,7% so với số mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2016-2020 (11.735 ca).
Tính đến nay, TP có đến 10 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó huyện Củ Chi 3 ca, huyện Bình Chánh 2 ca, quận Bình Tân 2 ca, huyện Hóc Môn 1 ca, quận 11 1 ca, TP.Thủ Đức 1 ca; tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca) và tăng 8 ca so với trung bình giai đoạn 2016-2020.
Hiện các quận huyện gồm: quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận Tân Phú có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất. Đặc biệt, huyện Cần Giờ và quận 12 là 2 địa phương có số ca tuyệt đối thấp, nhưng tính trên 100.000 dân thì rất cao, thuộc hàng các quận, huyện có số ca cao của TP. Đến thời điểm này, TP có đến 1.111 ổ dịch sốt xuất huyết.
Sở Y tế nhận định đây là dịch bệnh lưu hành, nhưng trong năm nay dịch bệnh có xu hướng tăng cao rõ rệt. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - 1 trong 4 cơ sở tuyến cuối thu dung điều trị sốt xuất huyết và là tuyến cuối duy nhất điều trị sốt xuất huyết ở người lớn tại TP.HCM đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân nặng.
Theo BS.CK2 Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện bệnh viện đang điều trị khoảng 350 bệnh nhân sốt xuất huyết, chiếm khoảng 60% tổng số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây.
Đa số các ca nhập viện đều trong tình trạng cảnh báo. Các khoa hồi sức cấp cứu người lớn và trẻ em gần như quá tải nên không còn chỗ cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Do đó, các trường hợp bị sốc xuất huyết tái đi tái lại chỉ xử lý ở các khoa phòng chứ không thể chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu được.
Hiện nay, khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em của bệnh viện cũng đã quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Do đó, bác sĩ Dũng kêu gọi các bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng có thể chuyển sang các bệnh viện nhi đồng để khoa hồi sức cấp cứu trống chỗ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc bệnh viện cho biết, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại đây tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Hiện đang có nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết rất nặng điều trị tại đây, trong đó có 5 bệnh nhi phải thở máy, 8 bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện tổ chuyên gia đã họp và triển khai ngay các lớp tập huấn lại cho toàn bộ các y bác sĩ điều trị sốt xuất huyết; đồng thời rút kinh nghiệm từ các trường hợp bệnh nặng.
Vừa qua, Sở Y tế đã họp 2 lần hội đồng chuyên gia với các trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong để rút kinh nghiệm. Qua đó, Sở Y tế đã có những nhận định bước đầu xác định các trường hợp mắc sốt xuất huyết có chuyển biến nặng là những trẻ em béo phì và phụ nữ mang thai, nhưng hiện chưa có hướng dẫn để điều trị sốt xuất huyết cho nhóm riêng này như thế nào.
Do đó, Hội đồng chuyên gia đã giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chủ trì phối hợp với các bệnh viện, nhất là các bệnh viện phụ sản, khoa hồi sức sơ sinh nghiên cứu để bổ sung vào trong phác đồ điều trị quốc gia về hướng dẫn điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết có thai.
“Đặc biệt trong thời gian qua do biến động phải đối phó với đại dịch COVID-19, không gặp sốt xuất huyết, nhất là có sự luân chuyển nhân viên y tế khá nhiều nên nhiều nơi đã “quên bài” sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết đã không nhận diện được dấu hiệu cảnh báo để bệnh nhân quá nặng mới chuyển đến bệnh viện nên nguy cơ tử vong tăng lên”, ông Châu chia sẻ.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP đã tổ chức hàng loạt các lớp tập huấn cho các nhân viên y tế tại các trạm y tế và cả các bác sĩ ở những phòng khám, phòng mạch tư nhân nhận diện ra bệnh sốt xuất huyết, không bỏ sót bệnh. Đặc biệt là trong những ngày thứ 4-5 của bệnh, bác sĩ cần phải nhận ra dấu hiệu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, tránh tình trạng bệnh nhân nhập viện trễ.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia cho rằng việc chuyển tuyến hiện nay là không an toàn do nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao. Do đó, ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị TP.HCM nên phân luồng ca bệnh tại chỗ và hỗ trợ từ xa cho tuyến tỉnh để hạn chế việc chuyển lên tuyến trên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá năm 2022 là năm thách thức với hệ thống y tế ở các tỉnh, thành phía Nam, nhất là TP.HCM về tình hình sốt xuất huyết. Chỉ mới tháng 6, số lượng ca mắc sốt xuất huyết đã là 77.000, so với cùng kỳ năm 2021 đã vượt quá 100% và tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019 - năm xảy ra dịch sốt xuất huyết. “Đây là một dấu hiệu rất quan ngại đối với dịch bệnh sốt xuất huyết”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, bắt đầu vào mùa mưa, ngoài dịch sốt xuất huyết thì chúng ta còn phải đương đầu với bệnh COVID-19, bệnh tay chân miệng, sốt phát ban… nên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chẩn đoán, theo dõi sốt xuất huyết.