Tư vấn, hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro
Sự kiện - Ngày đăng : 11:38, 28/06/2022
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thập (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang) cho biết Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập CLB Kế nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang hiện có Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp đã thành lập được hơn 5 năm. Hiệp hội đã liên tục hỗ trợ các sở ban ngành về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh…
Thời gian qua, Ban chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp cho biết CLB đã khẩn trương tổ chức được một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp hội viên duy trì sản xuất kinh doanh; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển.
Theo ông Nguyễn Duy Lãm – Chủ nhiệm CLB, 6 tháng đầu năm 2022, ngay sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, Thường trực đã chỉ đạo Văn phòng triển khai tổ chức ngay các lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh. Tính đến ngày 15.6.2022, CLB đã tổ chức được 10 lớp bồi dưỡng với các chủ đề pháp luật khác nhau (theo nhu cầu).
Cụ thể, Pháp luật hợp đồng kinh doanh – Kiểm soát rủi ro, góc nhìn từ thực tiễn tranh chấp; Vận dụng nguyên tắc áp dụng quy phạm Pháp luật giải quyết vụ việc thực tiễn; Nội dung pháp lý cơ bản theo Luật Doanh nghiệp 2022; Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm; Nội dung pháp lý cơ bản theo Luật Đầu tư 2020; Kiến thức pháp luật và kỹ năng cơ bản về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế…
Theo ông Nguyễn Duy Lãm, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tổ chức hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, CLB đã tổ chức được một số lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho hội viên, giúp người quản lý, các cán bộ chuyên môn của doanh nghiệp nắm được các quy định pháp luật chuyên ngành. Từ đó áp dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, phòng tránh rủi ro pháp lý, thực hiện đúng pháp luật…
Bên cạnh những điểm mạnh trên, Ban chủ nhiệm nhận thấy còn một số hạn chế như sự kết nối giữa CLB và doanh nghiệp hội viên chưa hiệu quả, thông tin hai chiều còn hạn chế; việc chăm sóc hội viên gặp nhiều khó khăn…
Tiếp tục tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp khi có vướng mắc
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Duy Lãm nhấn mạnh: “Hiệp hội tiếp tục tổ chức các hoạt động theo hướng bám sát thị trường. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh theo nhu cầu của doanh nghiệp hội viên. Tổ chức các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 khi được Ban quản lý giao nhiệm vụ”.
Ngoài ra, CLB tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp hội viên tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 - kỷ niệm 10 năm ngày Pháp luật Việt Nam. Tư vấn pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp khi có vướng mắc, tranh chấp trong sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Lắng nghe, thu thập ý kiến của doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi pháp luật; phản ánh kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Sử dụng đa dạng các hình thức, phương tiện để quảng bá hình ảnh CLB, doanh nghiệp hội viên, phát huy có hiệu quả qua cổng thông tin điện tử của CLB.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp mong muốn CLB Pháp chế doanh nghiệp có thể hỗ trợ trong lĩnh vực tranh chấp pháp lý quốc tế, những vấn đề về sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, xoay quanh Luật Đấu thầu liên quan đến ngành Y tế, đó là những vấn đề đang rất cấp thiết hiện nay nên đại diện doanh nghiệp mong muốn phía CLB cũng nên có tiếng nói.