Hà Nội: Phát triển mô hình kinh tế ban đêm, mở thêm phố đi bộ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:11, 28/06/2022
Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, thành phố đã kiểm soát tốt dịch COVID-19; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới đã tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế; cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 56,8% dự toán năm.
Kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ: GRDP 6 tháng tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021; trong đó, dịch vụ tăng 9,05%, công nghiệp tăng 6,73%, xây dựng tăng 5,54%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%.
Xuất khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 6.908 triệu USD, tăng 18,8%, gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ (8,1%).
Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng tăng khá cao so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2022 tăng 0,3% so với tháng 4, tăng 2,43% so với tháng 12.2021 và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2021. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,04% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,97%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,1%).
Một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giao thông tăng 15,3%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,85%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,83%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,78%.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công, uớc 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải ngân được 10.215 tỉ đồng, đạt khoảng 20% kế hoạch (bằng tỷ lệ giải ngân cùng kỳ).
Ngoài ra, thành phố cũng đưa kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2022 đối với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến hết niên độ ngân sách, các đơn vị không giải ngân tối thiểu đạt 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định.
Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI và PAR Index đều giảm bậc xếp hạng (PCI giảm 1 bậc; PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020).
Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 12%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 56%) vẫn tăng cao hơn so với số doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 6%). Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu...
Trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (giai đoạn 2022-2023) của Chính phủ; hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi trước tháng 9.2022 và theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế…
Nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; Phát huy cao nhất hiệu quả của 6 Tổ công tác của Thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu….
Đồng thời, theo dõi giá cả hàng hóa và cả tình hình thời tiết để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, điều hành bình ổn giá phù hợp, phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%...
Ngoài ra, tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới: Phát triển mô hình kinh tế ban đêm, mở thêm các tuyến phố đi bộ; Thúc đẩy doanh nghiệp logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp đã khởi công, đồng thời, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 39 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập.