Phúc thẩm vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Đề nghị không giảm án

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:17, 28/06/2022

Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của 19 bị cáo để xảy ra sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Chiều 28.6, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm luận tội giải quyết đơn kháng cáo của các bị cáo. Theo VKS, căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến hai phiên tòa đã đủ căn cứ khẳng định các bị cáo là những người tham gia thi công, mỗi người chịu trách nhiệm từng khâu từng giai đoạn của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

VKS đánh giá các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của Nhà nước và của chủ đầu tư, gây thiệt hại hơn 811 tỉ đồng. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu liên quan.

Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo thuộc nhóm Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VKS nhận thấy những người này phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền cao hơn so với các bị cáo khác. Quá trình thực hiện dự án, các bị cáo là đại diện cho chủ đầu tư nhưng đã không tuân thủ các quy định khi quản lý, thi công dự án.

pt-cao-toc-2-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Mặc dù các bị cáo Hoàng Việt Hưng và Lê Nhiều tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, đã thành khẩn khai báo, bày tỏ ăn năn hối lỗi, không hưởng lợi trong vụ án; tuy nhiên, bản án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội, đã áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ.

Đối với nhóm 17 bị cáo còn lại, VKS cấp phúc thẩm đánh giá dù có một số tình tiết giảm nhẹ mới được cung cấp nhưng bản án sơ thẩm tuyên các bị cáo với khung hình phạt nhẹ nên không có căn cứ giảm án thêm.

Trước đó, tháng 12.2021, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 35 bị cáo các mức án từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 8 năm 6 tháng tù giam; 1 bị cáo được HĐXX xem xét miễn xử lý trách nhiệm hình sự.

vks-cao-toc.jpg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa

Trước đó, trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Cienco1 cho rằng tòa sơ thẩm buộc công ty phải bồi thường cho chủ đầu tư hơn 132 tỉ đồng là ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công ty. Đây là vụ án hình sự, quá trình điều tra, xét xử không có việc giám định thiệt hại, chỉ căn cứ vào số tiền chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu và coi đó là số tiền thiệt hại là không thỏa đáng.

Ngoài ra, theo Cienco1, tại phiên tòa sơ thẩm, VEC yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, duy tu, khắc phục mọi thiếu sót, khiếm khuyết của dự án. Cienco1 chấp nhận các yêu cầu trên. Bản chất đây là sự đồng thuận về phương thức bồi thường và yêu cầu này không trái pháp luật, không trái đạo đức thì cần được ghi nhận.

Trong vụ án này, đại diện Công ty Phương Thành kháng cáo cho rằng phán quyết sơ thẩm là không có căn cứ vì theo đại diện công ty, dự án đi vào khai thác gần 5 năm nay, thu phí đến hết năm 2021 là hơn 1.400 tỉ đồng.

Đại diện Công ty Trico cho biết đã chuyển cho VEC hơn 10 tỉ đồng. Công ty đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên chung cư, phong tỏa tài khoản chứng khoán của bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó giám đốc Ban Điều hành liên danh gói thầu số 3B). Tổng công ty Sông Đà đề nghị tòa án miễn trách nhiệm bồi thường dân sự để hai bên đàm phán, giải quyết theo điều khoản hợp đồng. Doanh nghiệp này cho biết đã chuyển 17 tỉ đồng vào tài khoản của VEC.

Bản án sơ thẩm xác định dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP.Đà Nẵng - TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, chi phí đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng, song chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã không tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến sau một thời gian vận hành khai thác, 65km đường giai đoạn I, từ TP.Đà Nẵng - TP.Tam Kỳ, xảy ra hư hỏng, gây mất an toàn giao thông.

Dù chất lượng dự án không đảm bảo, các bị cáo vẫn ký nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh toán cho đơn vị thi công hơn 811 tỉ đồng. Sau bản án sơ thẩm, có 19/36 bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt; đồng thời, đề nghị tòa phúc thẩm hủy một số quyết định kê biên tài sản của gia đình.

Nhã Thanh