Vì sao vệ tinh CAPSTONE của NASA lại mất 4 tháng để đến Mặt trăng?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:56, 29/06/2022
Tàu vũ trụ Photon mang theo vệ tinh CAPSTONE được phóng lên bằng tên lửa đẩy 2 tầng Electron của công ty Rocket Lab. Chuyến bay khởi hành từ phía đông bán đảo Māhia của New Zealand vào lúc 16 giờ 55 phút ngày 28.6 (theo giờ Việt Nam). Vệ tinh CAPSTONE nặng 25 kg của NASA hướng thẳng đến Mặt trăng nhưng sẽ không đến đó trước ngày 13.11.
Mặt trăng chỉ cách Trái đất 384.500 km. Trong khi các sứ mệnh phi hành đoàn Apollo của NASA đã thực hiện chuyến đi chỉ trong 3 ngày thì tại sao CAPSTONE mất hơn 4 tháng?
Theo NASA, tàu vũ trụ Apollo đã được phóng trên đỉnh tên lửa Saturn V khổng lồ. Đây là tên lửa mạnh nhất từng bay mặc dù Hệ thống Phóng vào không gian (SLS) của NASA và tàu vũ trụ Starship từ SpaceX có thể sớm thay đổi điều này. Ngược lại, vệ tinh CAPSTONE có kích thước chỉ bằng chiếc lò vi sóng được cất cánh trên tên lửa Electron - vốn thiết kế để đưa các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo Trái đất.
Do đó, nhóm sứ mệnh CAPSTONE đã phải sáng tạo, chọn một con đường tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều để đến “láng giềng” gần nhất của Trái đất. Lộ trình đó được gọi là quỹ đạo chuyển Mặt trăng của tên lửa đạn đạo (BLT) - tốn khá nhiều thời gian.
Trong 5 ngày sau khi cất cánh, Photon sẽ dần dần tăng quỹ đạo thông qua một loạt các động cơ của nó. Vào ngày thứ 6, tàu vũ trụ sẽ thực hiện lần đốt cháy động cơ cuối cùng để đưa vận tốc lên 39.500 km/h, đủ nhanh để thoát khỏi quỹ đạo Trái đất và hướng đến Mặt trăng. Trong vòng 20 phút kể từ khi đốt cháy đó, Photon sẽ triển khai vệ tinh CAPSTONE.
Video tên lửa Rocket Lab đưa vệ tinh của NASA lên quỹ đạo
CAPSTONE sẽ thỉnh thoảng khai hỏa các động cơ đẩy của riêng nó trong vài tháng tới và cuối cùng sẽ đi vào “vầng hào quang cận tuyến tính” (NRHO) xung quanh Mặt trăng để kiểm tra độ ổn định của quỹ đạo này.
Các kỹ sư của sứ mệnh cho rằng NRHO có độ ổn định cao. Các vệ tinh và tàu vũ trụ sẽ không cần đốt nhiều nhiên liệu ở trong quỹ đạo này nhờ lực hấp dẫn cân bằng của Mặt trăng và Trái đất. Đây là một trong những lý do chính mà NASA quyết định chọn quỹ đạo này cho trạm không gian Gateway, một phần quan trọng trong chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis của cơ quan này.
Gateway sẽ đóng vai trò là điểm xuất phát cho các “chuyến xuất kích”, cả có phi hành đoàn và không người lái, xuống bề mặt Mặt trăng. NASA đặt mục tiêu phóng các module lõi của trạm vào cuối năm 2024.
CAPSTONE là loại công cụ tìm đường, có khả năng tự điều hướng để duy trì quỹ đạo. Vệ tinh này cũng sẽ tiến hành một số thử nghiệm giao tiếp giữa các tàu vũ trụ, sau đó là sự kết hợp với Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA. Vệ tinh ban đầu được lên kế hoạch phóng vào tháng 5, nhưng bị trì hoãn nhiều lần để kiểm tra hệ thống và các thử nghiệm khác.