Cà Mau: Tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân qua ứng dụng CaMau-G

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:02, 30/06/2022

Ngày 30.6, nguồn tin của PV Một Thế Giới cho biết, hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau thông qua ứng dụng di động trên áp CaMau-G (Chính quyền điện tử Cà Mau) chính thức được vận hành kể từ ngày 1.7.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT-TT) tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh hiện trường theo đúng thời gian quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận tiện cho người dân.

Để thực hiện phản ánh hiện trường, tổ chức, cá nhân có điện thoại di động thông minh chỉ cần tải ứng dụng CaMau-G về máy. Sau đó, vào mục phản ánh trên giao diện, điền đầy đủ thông tin về tên, số điện thoại.

cm.jpg
Cà Mau chính thức tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân qua ứng dụng CaMau-G từ ngày 1.7 - Ảnh: Trúc Đào

Nội dung, hình ảnh, video phản ánh liên quan đến các lĩnh vực như An ninh trật tự, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường, góp ý - hiến kế, y tế - sức khỏe, giáo dục - đào tạo, điện - chiếu sáng, cấp thoát nước, vi phạm pháp luật và các lĩnh vực khác (không bao gồm phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo).

Tổ chức, cá nhân gửi phản ánh hiện trường phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tính trung thực, chính xác của thông tin mình phản ánh. Tên của tổ chức, cá nhân sẽ được giữ bí mật, nếu cần thiết để phục vụ xử lý hiện trường thì phải có sự đồng ý của người phản ánh. Thời gian tiếp nhận phản ánh hiện trường 24/24 giờ, 7 ngày/tuần.

Đại diện lãnh đạo Sở TT-TT tỉnh Cà Mau thông tin: “Trước đây, trên ứng dụng CaMau-G đã vận hành chạy thử nghiệm tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường và nhận được nhiều sự phản hồi và tương tác từ phía người dân. Kể từ ngày 1.7 bắt đầu đưa vào vận hành chính thức. Đây được xem là phương thức hữu hiệu kết nối thông tin trực tuyến giữa chính quyền với tổ chức, cá nhân giúp thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan xử lý, tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong thời gian tới”.

Trần Khải