Gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán tại Nhật Bản
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:18, 01/07/2022
Trong xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nước có sự bảo hộ ở mức cao đối với nền nông nghiệp nội địa. Gạo cũng là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do.
Hiện nay, trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên (gồm các Hiệp định AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), Nhật Bản không có cam kết ưu đãi đặc biệt nào cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Gạo Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật Bản phải tham gia vào các gói đấu thầu quốc tế (theo các cơ chế tiếp cận thị trường thông thường - OMA, hoặc cơ chế mua bán song song - SBS).
Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc hay Úc, nên trong những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso...
Sự kiện 100 tấn gạo ST25 được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.
Theo đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam và đại diện nhập khẩu phía Nhật Bản đã có những bài giới thiệu cụ thể về quy trình sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, quy trình đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào bày bán tại thị trường Nhật Bản, công bố thông tin 100 tấn gạo ST25 mở bán chính thức tại Nhật Bản và dự kiến sản lượng gạo nhập khẩu trong tương lai.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hiện cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp. Ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Do đó, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.