Jakarta lún nhanh do người dân khoan giếng lấy nước sinh hoạt

Quốc tế - Ngày đăng : 09:28, 03/07/2022

Tình trạng dân chúng khai thác quá mức nguồn nước ngầm khiến xảy ra sụt lở đất tràn lan ở thủ đô Jakarta, Indonesia.
cna.jpg
Một giếng khoan ở Jakarta - Ảnh: CNA

Theo trang tin Channel News Asia ngày 2.7, vì chất lượng nước sinh hoạt kém và các ống cấp nước của chính quyền bị hư hỏng, người dân Jakarta chuyển qua khoan giếng thật sâu để có nguồn nước riêng.

Nhưng sự khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu của sự sụt lở đất ở Jakarta vốn nằm trên vùng đất thấp và yếu, khiến thành phố lún sụt khoảng 26cm/năm và trở thành một trong những siêu đô thị lún sụt nhanh nhất thế giới.

Hiện nay, hơn 90% vùng ven biển của Jakarta nằm dưới mực nước biển nên thành phố này dễ bị ngập. Các sông cũng không thể thải nước chảy ra biển nếu không có các trạm bơm lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt gây xói mòn hằng năm vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn cư dân.

Dù chính quyền Jakarta đã ban hành nhiều giải pháp điều hòa, xem ra dễ nói hơn thực hiện việc khắc phục vấn đề khai thác nước ngầm. Đã có nhiều thế hệ cư dân Indonesia khoan giếng và khai thác nước ngầm nên rất khó thay đổi hành vi này. Khó thể giúp người dân biết hậu quả vì sự sụt lở đất xảy ra dần dần qua rất nhiều năm.

Điều tệ hơn là chỉ có 900.000 nhà ở, cơ quan và xí nghiệp ở Jakarta có thể tiếp cận nguồn nước máy do chính quyền cấp, theo dữ liệu của PAM Jaya, công ty cấp phát đường ống nước cho Jakarta. Không còn cách nào khác, 11 triệu cư dân còn lại phải trông nhờ nguồn nước ngầm.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, trong năm 2020 Jakarta có thêm 2,4 triệu nhà xây trên đất, hơn 200.000 căn hộ, 130 cửa hàng mua sắm và hàng ngàn trụ sở văn phòng. Trung bình một hộ gia đình ở Jakarta chi tiền nước máy từ 200.000 rupiah (13,38 USD) đến 500.0000 rupiah/tháng.

Điều trớ trêu là Jakarta có nhiều nguồn nước bao quanh, với 13 con sông chảy ngang thành phố trước khi chảy ra biển Java ở phía bắc Jakarta. Thành phố còn có 117 ao và bồn chứa lũ. Nhưng các nguồn nước này bị ô nhiễm nặng vì rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt, càng khiến nguồn nước không an toàn để sử dụng.

Nirwono Joga, một chuyên gia quy hoạch đô thị ở Đại học Trisakti tại Jakarta, nói : “Jakarta bị ngập lụt hằng năm, có nghĩa thành phố có quá nhiều nước trong một số thời gian. Nhưng hệ thống quản lý nguồn nước của chúng tôi lại kém”.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Cơ quan Môi trường Jakarta, 96% nước từ các sông trong thành phố bị ô nhiễm nặng bởi rác thải rắn, kim loại nặng và vi khuẩn. Các sông này cũng chảy vào các ao và bồn chứa nước lũ của thành phố. Một trong những nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước là Jakarta thiếu một cơ sở quản lý nước thải. 

Chuyên gia Noga nói: “Nếu nhìn vào hệ thống cống của Jakarta, hầu hết tất cả các ống cống đều dẫn đến các sông gần nhất cùng các bồn chứa nước lũ. Ngoài ra còn do người chiếm đất trái phép dọc các bờ sông và vùng trũng. Họ ném rác và đổ chất thải thẳng xuống các vùng nước này. Việc khử bằng muối cũng không khả thi vì tất cả rác và chất thải đều chảy ra biển. Đó là lý do tại sao các sông, bồn chứa và biển không được dùng làm nguồn nước chủ yếu của chúng tôi”.

Vì các sông và bồn chứa lũ đều ô nhiễm nặng, 94% nước máy ở Jakarta lấy từ 2 đập của 2 tỉnh lân cận Tây Java và Banten. Nhưng nếu tăng sản lượng nước cũng sẽ không đủ nước cho toàn bộ cư dân Jakarta.

Jakarta hiện có 6 cơ sở xử lý nước nhưng chỉ có thể cung cấp 6% số nước máy cần cho thành phố. Cơ quan Quản lý nguồn nước Jakarta nói thành phố sẽ xây thêm 6 cơ sở xử lý nước có thể lọc tất cả các chất ô nhiễm. Hai trong số cơ sở này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023. Jakarta cũng đang tối ưu hóa các hồ chứa lũ để chúng có thể là bể chứa nước, và mở rộng hệ thống ống nước máy của Jakarta.

Tuy nhiên, có sự nghi ngờ rằng không gì bảo đảm việc khai thác nước ngầm sẽ chấm dứt. Chuyên gia Joga nói: “Lý do cư dân Jakarta không thích dùng nước máy vì nó bị ô nhiễm. Họ tiếp tục khai thác nước ngầm cho đến nay vì không gì bảo đảm về số lượng, chất lượng và dòng chảy liên tục của nước máy. Người dân phàn nàn chất lượng nước máy kém, số lượng và sự thông suốt bị hạn chế nhiều trong mùa khô”.

Chính quyền Jakarta thừa nhận tình trạng này phải được khắc phục nhanh chóng. Chuyên gia thủy động lực Muslim Muin nói chính quyền đang cố gắng hạn chế chúng bằng cách xây các bấc thấm đứng. 

Ông nói: “Nếu mỗi nhà có trang bị một bấc thấm, một căn nhà 100m2 có thể hấp thụ 3.650 mét khối nước mưa/năm. Và việc trữ nước dưới đất ngăn nó bốc hơi. Nếu hấp thụ nhiều nước như thế, thì sẽ không thành vấn đề nếu người ta khai thác một chút nguồn nước đó”.

Bảo Vĩnh