Giá xăng tăng phi mã, lạm phát ngấm vào mọi 'ngóc ngách' đời sống

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:51, 03/07/2022

Giá xăng liên tục tăng cao, trong khi lạm phát ngấm dần vào mọi "ngóc ngách" của đời sống. Người dân, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa mỗi ngày.

Lạm phát ngấm vào đời sống

Chị Hoài Anh sống ở phố Trần Điền, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội cho biết, giá xăng tăng khiến rất nhiều mặt hàng đều tăng giá theo. Chị kể 2 tháng trở lại đây, số tiền đi chợ của chị đã tăng gần như gấp đôi vì hầu như món hàng nào cũng tăng giá, từ mớ rau đến bìa đậu. Trước đây, mỗi bìa đậu chỉ có giá khoảng 2.000 đồng thì giờ đây đã tăng lên 3.000 đồng. Chẳng riêng gì mớ rau hay bìa đậu, từ ổ bánh mì đến chai nước suối, thậm chí là cốc cà phê cũng đã tăng giá lên từ 10-12%.

anh-dai-dien.png
Nhiều mặt hàng tăng giá theo xăng dầu 

Trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống cũng gặp không ít khó khăn về nguyên liệu đầu vào, buộc phải điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ nhằm theo kịp đà tăng của thị trường.

Điển hình, vừa qua chuỗi thương hiệu cà phê Highlands Coffee thông báo tăng giá bán sản phẩm do biến động thị trường. Theo đó, Highlands Coffee sẽ điều chỉnh tăng giá bán của các sản phẩm, giá mới áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 27.6. Việc tăng giá sẽ được áp dụng muộn hơn ở các cửa hàng khác trên toàn quốc, bao gồm cả app đặt hàng, từ ngày 1.7. Tại một số quán có địa điểm đặc biệt như ở sân bay, giá bán có thể khác với menu tiêu chuẩn.

Theo khảo sát, mức giá mới của các đồ uống ở Highlands đã tăng từ 10 - 15%, dao động từ 4.000 - 10.000 đồng/sản phẩm, tùy loại và kích thước. Đối với cà phê pha phin có mức tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/sản phẩm, ly cỡ vừa tăng 4.000 đồng lên 39.000 đồng/ly, cỡ lớn tăng 6.000 đồng lên 45.000 đồng/ly, riêng cỡ nhỏ giữ giá 29.000 đồng/ly; cà phê espresso đồng loạt tăng 10.000 đồng/sản phẩm ở các kích thước... Đặc biệt, các món trà có mức tăng giá cao nhất 18% với kích thước lớn, từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng/ly, giá bán các ly trà cỡ nhỏ và vừa đều tăng 6.000 đồng.

Nhiều khách hàng cho rằng việc tăng giá bán ngay thời điểm này sẽ gây áp lực cho "túi tiền" của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao.

Không chỉ ngành hàng tiêu dùng, vận tải từ hàng không tới đường bộ cũng đều đã phải điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài cầm cự trước bão giá xăng dầu. Giá vé máy bay thời gian qua thường xuyên được bán ở mức cao. Thậm chí, vận tải đường bộ vừa phục hồi sau dịch khủng hoảng dịch COVID-19 cũng buộc phải tăng giá vé xe vì không thể "cầm cự" được trước giá nhiên liệu tăng phi mã.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng mạnh lên 2,86%. Chỉ riêng trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu khiến xăng tăng 6%, dầu tăng 4%, đẩy CPI nhóm giao thông bật cao nhất với 2,34%. Như vậy dư địa tăng CPI mà nhà nước đặt ra cho năm nay chỉ còn 1,75% cho 7 tháng còn lại. Có thể thấy, lạm phát đã lộ diện, không còn là nguy cơ nữa.

Làm sao kiểm soát lạm phát?

Áp lực tăng giá xăng dầu trong nước cũng như thời gian tới đã khiến dư luận không khỏi lo ngại về tác động lên lạm phát nước ta. Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là nguy cơ lạm phát đang dần hiện hữu, mà nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu tăng cao.

xang-dau-2.png

Giới chuyên gia cho rằng, cần thiết giảm các loại thuế với xăng dầu, trong đó ngưng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đồng thời cũng cần có giải pháp bình ổn các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Cụ thể là giám sát và ngăn chặn xu hướng tăng giá các dịch vụ cơ bản, thiết yếu, nhất là dịch vụ công.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, năm 2022, áp lực lạm phát của Việt Nam xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước.

Cùng với áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao, ông Lâm cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Về phương hướng kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và giảm các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta. Bộ Tài chính cũng đã xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.

Việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Đồng thời công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung