Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Mới chỉ giải ngân hơn 1%

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:25, 04/07/2022

Về tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, mới có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỉ đồng.

Chậm hỗ trợ tiền thuê nhà

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4.7, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh cho biết ngày 28.3.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Ngày 1.4, Bộ LĐTB-XH đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431 ngày 19.5.2022 về tăng cường biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động sử dụng bảo hiểm xã hội.

Theo ông Thanh, hôm qua, Bộ LĐTB-XH đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 791 ngày 3.7.2022 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Đây là quyết định rất cụ thể về nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ hoàn toàn tiền thuê nhà này.

Đồng thời Bộ LĐTB-XH đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương hướng dẫn, cập nhật cơ sở dữ liệu để tránh việc trùng lặp. Hiện nay các cơ quan và địa phương đã đồng loạt triển khai vấn đề này.

Tính đến ngày hôm nay (4.7), theo báo cáo của các Sở LĐTB-XH, các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỉ đồng tại 45 địa phương. Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí là 209 tỉ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỉ đồng.

“Vì mới có Quyết định 791 nên hôm nay các địa phương mới giải ngân. Dự kiến trong tháng 7 này, chúng tôi phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ này. Theo quy định chậm nhất là ngày 15.8.2022, phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ này”, ông Thanh nói.

thanh-2.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh trả lời báo chí

Như vậy, theo ông Thanh, so với việc hỗ trợ thì tỷ lệ này còn rất thấp (hơn 1%), nguyên nhân là do các địa phương đang chờ hướng dẫn tại Quyết định 791, mặc dù đã phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương để trả.

Ngoài ra, một số địa phương cũng sợ làm sai nên yêu cầu phải có xác nhận. Trong yêu cầu thì chỉ cần có xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi còn yêu cầu cả chính quyền địa phương cấp xã, phường phải xác nhận. Cái này chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn rồi. Hơn nữa, một số doanh nghiệp cũng sợ sai cho nên nộp danh sách cho Bảo hiểm Xã hội làm còn chậm.

“Về vấn đề này, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với liên đoàn lao động các địa phương để đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách để phía Bảo hiểm Xã hội phê duyệt”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, nhiều người lao động chưa nắm kỹ tình hình nên chưa nộp đơn để các doanh nghiệp phê duyệt. Như vậy, sau khi có Quyết định 791 ngày 3.7.2022, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương giải ngân nhanh hơn để đạt theo yêu cầu đã đề ra là hỗ trợ 6.600 tỉ đồng để cho 3,4 triệu lao động.

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu thuốc?

Về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng này.

Về giải pháp trong ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT; đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm.

huong.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Về triển khai các biện pháp dài hạn, theo bà Hương, hiện nay Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho hay, đối với thông tin nhập nhèm trong đơn thuốc có thực phẩm chức năng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngay khi có thông tin này trên báo chí, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ cũng như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành kiểm tra để xử lý.

Ngày 6.6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có báo cáo giải trình, trong đó nêu rõ Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã xác định đây là sai sót về quy trình, nghiệp vụ. Bệnh viện đã xử lý bác sĩ vi phạm bằng hình thức cho điều chuyển công tác và đây là cơ sở để tiếp tục để xử lý kỷ luật theo quy định.

Bệnh viện cũng đã ngừng tư vấn về thực phẩm chức năng. Ngày 17.6, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi cho cơ sở y tế của tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế trực thuộc bộ, ngành về việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú theo đúng quy định.

Lam Thanh