Chân dung ‘nữ hoàng tiền số’ bị cả Trung Quốc và Mỹ truy nã vì lừa đảo

Thế giới số - Ngày đăng : 00:01, 05/07/2022

Tự mô tả là Cryptoqueen (nữ hoàng tiền số), Ruja Ignatova đã bị thêm vào danh sách 10 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
nu-hoang-tien-so-bi-ca-my-va-trung-quoc-truy-na.jpg
Poster '10 kẻ trốn chạy bị truy nã gắt gao nhất' trong đó có Ruja Ignatova do FBI cung cấp - Ảnh: EPA-EFE / Handout

Ruja Ignatova cũng được biết đến với cáo buộc thiết kế một kế hoạch Ponzi ở Trung Quốc, khiến nhân vật khó nắm bắt này trở thành mục tiêu hiếm hoi cho cơ quan thực thi pháp luật chính quyền ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Ruja Ignatova sinh ra ở Bulgaria, đã tạo ra kế hoạch tiền mã hóa có tên OneCoin, thu về gần 4 tỉ USD sau khi ra mắt vào năm 2014. Ruja Ignatova đã bị FBI thêm vào danh sách truy nã gắt gao nhất vào tuần trước vì “bị cáo buộc lãnh đạo một kế hoạch lừa đảo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu nhà đầu tư trên toàn thế giới”, theo trang web của Cục này. FBI đã đưa ra phần thưởng lên đến 100.000 USD cho thông tin liên quan đến Ruja Ignatova.

Kẻ đào tẩu 42 tuổi đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng vào năm 2017, khi các quan chức Mỹ lần đầu tiên ký lệnh bắt giữ cô. Ruja Ignatova đã chào hàng OneCoin như một "kẻ giết Bitcoin".

Tại Trung Quốc, Ruja Ignatova bị cáo buộc chủ mưu một kế hoạch đầu tư gian lận - cũng dựa trên OneCoin - liên quan đến khoảng 15 tỉ nhân dân tệ (2,24 tỉ USD), khiến 98 người bị buộc tội.

Trở lại năm 2017, ít nhất 35 người ở Trung Quốc đã tham gia chương trình OneCoin thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc giới thiệu và kiếm lợi bất hợp pháp bằng cách nuôi dưỡng thành viên mới, theo hồ sơ của Tòa án nhân dân huyện Chu Châu, tỉnh Hồ Nam.

Mỗi bị cáo nhận án tù lên đến 7 năm và tiền phạt lên tới 5 triệu nhân dân tệ (750.000 USD) mỗi người, mặc dù 1,7 tỉ nhân dân tệ (254 triệu USD) khoản đầu tư bị mất đã được cảnh sát thu hồi, theo tài liệu của tòa án.

Ruja Ignatova không bị buộc tội tại tòa án Trung Quốc, nhưng các tài liệu tòa án được công bố mô tả OneCoin là một kế hoạch bán kim tự tháp bất hợp pháp được tạo ra ở nước ngoài, với cô nàng là chủ mưu đằng sau nó. Các tài liệu nêu rõ rằng máy chủ của OneCoin có trụ sở tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch.

Trung Quốc đã đưa ra quan điểm cứng rắn với giao dịch tiền mã hóa, mô tả ngành công nghiệp này mở cửa cho các hoạt động gian lận và là mối đe dọa tiềm tàng với trật tự, an ninh tài chính của đất nước.

nu-hoang-tien-so-bi-ca-my-va-trung-quoc-truy-na1.jpg
Damian Williams, công tố viên liên bang hàng đầu ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ hôm 30.6 thông báo bổ sung Ruja Ignatova vào danh sách những kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất của FBI - Ảnh: Reuters

Vào tháng 9.2017, 7 cơ quan quản lý hàng đầu của Trung Quốc đã ban hành một thông báo cấm tất cả các hình thức hoạt động gây quỹ thông qua việc phát hành mã thông báo kỹ thuật số, buộc nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa Trung Quốc gửi các khoản đầu tư ra nước ngoài.

Cùng năm đó, khi OneCoin còn ở đỉnh cao phổ biến trên toàn thế giới, Ruja Ignatova được lên kế hoạch phát biểu tại một sự kiện lớn do công ty tổ chức ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, cô ấy đã không xuất hiện và không thể liên lạc được kể từ đó. Bài đăng cuối cùng của Ruja Ignatova trên Twitter có nội dung: "Xin chào, bạn có muốn tham gia chương trình biz của chúng tôi không?".

Vào tháng 2.2018, Ruja Ignatova đã bị tòa án Mỹ buộc tội với nhiều tội danh bao gồm gian lận chuyển khoản, âm mưu rửa tiền và gian lận chứng khoán.

Một năm sau, anh trai cô và một trong những người đứng đầu OneCoin, Konstantin Ignatov, bị giam giữ ở Mỹ. Anh ta phạm tội lừa đảo và rửa tiền và nhận bản án 90 năm tù.

FBI cho biết trong một thông cáo báo chí vào tuần trước rằng Ruja Ignatova “bị cáo buộc đã đưa ra những tuyên bố và trình bày sai lệch về OneCoin để lôi kéo mọi người đầu tư vào các gói OneCoin”.

FBI thông báo: “Dù công ty được cho là đã sử dụng nhiều thuật ngữ liên quan đến tiền ảo, nhưng các nhà điều tra tin rằng OneCoins không được khai thác theo cách truyền thống với tiền mã hóa. Ngoài ra, giá trị của OneCoin được xác định bởi công ty hơn là nhu cầu thị trường".

Tại Trung Quốc, một người dùng Weibo đã ví Ruja Ignatova với Elizabeth Holmes, cựu doanh nhân công nghệ sinh học người Mỹ bị kết tội gian lận hình sự vì tuyên bố sai hoặc phóng đại về công nghệ xét nghiệm máu của công ty cô.

Sơn Vân