Mỹ và Trung Quốc xuất hiện căng thẳng liên quan chủ quyền trên Mặt Trăng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:39, 05/07/2022

Phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không có kế hoạch tuyên bố Mặt Trăng là của riêng mình, sau khi Giám đốc NASA, Bill Nelson, được cho là đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về điều ngược lại.

Phát biểu với tờ báo Bild của Đức vào thứ 2.7, Nelson, người đã tuyên thệ nhậm chức Giám đốc NASA vào tháng 5 năm ngoái, cho biết có một "cuộc chạy đua mới vào không gian" giữa Mỹ và Trung Quốc - liên quan đến cuộc chạy đua không gian trước đó giữa Mỹ và Liên Xô giữa những năm 50 và 70 thế kỷ trước.

Mặc dù điều đó đã qua thời đỉnh điểm khi Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất đưa con người lên bề mặt mặt trăng, nhưng Mỹ đã không đưa người quay trở lại kể từ sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.

Tuy nhiên, kế hoạch quay trở lại bề mặt Mặt Trăng một lần nữa lại đang diễn ra sôi nổi với chương trình Artemis của NASA. Nhưng lần này, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đưa mặt trăng vào trong tầm ngắm.

Vào tháng 4 năm nay, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết họ đang bước vào một giai đoạn mới của chương trình thăm dò Mặt Trăng, bao gồm việc phóng ba tàu thăm dò Mặt Trăng trước năm 2030 và khởi động thiết lập một cơ sở nghiên cứu quốc tế trên chính Mặt Trăng.

Nelson nói với Bild của Đức hôm 2.7: "Chúng tôi phải rất lo ngại rằng Trung Quốc sẽ hạ cánh trên mặt trăng và nói: 'Từ giờ đó là của chúng tôi và các vị hãy tránh xa'."

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã phản pháo lại những nhận xét trong cuộc họp báo của Bộ này hôm 4.7.

Ông Triệu Lập Kiên nói: “Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo NASA công kích Trung Quốc mà coi thường sự thật. Một số quan chức Mỹ đã nói một cách vô trách nhiệm để xuyên tạc những nỗ lực không gian bình thường và hợp pháp của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết bác bỏ những nhận xét như vậy."

Ông Triệu tiếp tục cáo buộc Mỹ đã "xác định không gian là một khu vực chiến tranh" và nói rằng họ đã "cản trở hợp tác không gian, cố tình áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cơ quan vũ trụ của các quốc gia khác và thông qua luật cấm tất cả các hình thức hợp tác và trao đổi không gian với Trung Quốc".

Bình luận của Nelson cũng gây phẫn nộ cho Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo – vốn là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoàn cầu đã đăng bài viết mà trong đó Nelson được coi là "có đầu óc thực dân".

Năm ngoái, Nelson đã chúc mừng Trung Quốc hạ cánh thành công tàu xuống bề mặt sao Hỏa nhưng cũng sử dụng thành tích này như một lời cảnh báo trước Quốc hội rằng Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh đáng gờm" với Mỹ trong không gian và Mỹ cần phải "thoát khỏi sự bó buộc để thực hiện các nhiệm vụ thăm dò có người lái”.

Trong khi đó, sự phát triển không gian của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Tháng trước, nước này đã phóng một phi hành đoàn mới gồm 3 người lên trạm vũ trụ Thiên Cung đang trong quá trình xây dựng. Hai mô-đun nữa sẽ được bổ sung vào trạm trong năm nay, đánh dấu sự hoàn thành việc xây lắp ghép Thiên Cung.

Anh Tú