Châu Á căng mình đối phó lạm phát
Quốc tế - Ngày đăng : 10:59, 05/07/2022
Tại Malaysia, nơi lạm phát lên đến 5,2%, cao nhất trong 11 năm, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob ngày 3.7 thông báo chính phủ sẽ chi 70 tỉ ringgit (gần 16 tỉ USD) trợ cấp trong năm nay nhằm mục đích kiềm chế đà tăng của xăng, diesel, ga, dầu ăn, bột mì và điện.
Trước đó hơn 700 triệu ringgit (gần 160 triệu USD) đã được phân bổ giúp duy trì giá thịt gà ở mức 9,4 ringgit (2,13 USD)/kg. Chính phủ Malaysia cũng đã dành ra 4 tỉ ringgit (hơn 900 triệu USD) trợ cấp mặt hàng dầu ăn, cao gấp đôi năm ngoái. Thủ tướng Yaakob để ngỏ khả năng phát tiền cho hộ gia đình thu nhập thấp lần thứ 3.
Thái Lan: Lạm phát tại Thái Lan vượt qua mức 7% vào tháng 5, cao nhất trong 14 năm. Hội đồng An ninh quốc gia nước này (NSC) dự định thành lập nhóm chuyên gia phụ trách giải quyết khủng hoảng nhiên liệu và lương thực.
Tổng thư ký NSC Supot Malaniyom cho biết nhóm chuyên gia cùng các đơn vị liên quan chuẩn bị giải quyết khủng hoảng theo 3 giai đoạn từ nay đến cuối năm sau, tập trung vào giá nhiên liệu.
Ngày 2.7, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith tuyên bố chính phủ sẽ tìm cách tăng lương cho người lao động khu vực kinh tế tư nhân để giúp họ đối phó với chi phí tăng. Ngân hàng Trung ương Thái cũng dự kiến tăng lãi suất vào tháng tới.
Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc bỏ thuế suất 22,5 - 25% với 50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu từ ngày 30.6 nhằm làm giảm 18,4 - 20% giá thành sản xuất mặt hàng này. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm Seoul áp dụng biện pháp miễn thuế cho một lượng thịt lợn nhất định.
Theo dữ liệu của Viện Đánh giá chất lượng sản phẩm động vật Hàn Quốc, giá thịt lợn trung bình trong tháng trước đã tăng gần 15% lên 2,911 won (0,002 USD) mỗi 100gr.
Giới quan sát ngành nhận định cuộc chiến tại Ukraine cùng với lạm phát là nguyên nhân đẩy giá lên cao. Một thành viên Hiệp hội Thịt lợn Hàn Quốc cho biết: “Ngô chiếm một nửa lượng thức ăn cho lợn. Xung đột Nga và Ukraine - 2 quốc gia cung cấp lúa mì và ngô hàng đầu - dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngũ cốc, khiến giá thức ăn gia súc tăng”.
6 mặt hàng khác trong đó có dầu hướng dương cùng lúa mì cũng được dỡ bỏ thuế đến cuối năm. Vài loại thực phẩm chế biến đơn giản như kim chi được miễn thuế giá trị gia tăng.
Lạm phát tiêu dùng ở Hàn Quốc tháng 5 đã tăng lên 5,4%, tháng 6 dự kiến vượt mức 6%. Để hạ nhiệt mức lạm phát cao nhất trong 14 năm, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc tháng trước tăng lãi suất lên 1,75%.
Nhật Bản: Giá tiêu dùng cơ bản tháng 5 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái – cao nhất trong 7 năm. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ Nhật có kế hoạch giảm bớt tác động của việc tăng giá điện bằng hình thức tặng điểm thưởng cho hộ gia đình tiết kiệm điện. Điểm có thể dùng trừ tiền điện nước.
Nhóm chuyên trách đối phó lạm phát vừa họp lần đầu vào tháng 6. Loạt biện pháp khẩn cấp trị giá 13 nghìn tỉ yen (96,2 tỉ USD, do tư nhân tài trợ một phần) sẽ được thực hiện để đối phó với giá lúa mì, phân bón, thức ăn chăn nuôi và năng lượng tăng cao.
Cũng theo Thủ tướng Kishida, chính phủ đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu lên ít nhất 1.000 yen (7,4 USD)/giờ trong năm tài khóa hiện tại kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Bangladesh: Lũ lụt cùng thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến vụ thu hoạch, đẩy giá gạo tại Bangladesh tháng 5 tăng 9%. Chính phủ nước này cấp phép cho 95 công ty lương thực nhập khẩu 409.000 tấn gạo vào giữa tháng 8 để hạ giá. Thuế nhập khẩu gạo cũng được giảm từ 62,5% xuống còn 25,75% trong thời gian từ ngày 22.6 - 31.10.
Pakistan: Tại Pakistan, lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 21,3% vào tháng 6, cao nhất trong hơn 13 năm.
Giá nhiên liệu động cơ, hydrocarbon hóa lỏng và điện tăng mạnh, riêng nhiên liệu động cơ tăng ít nhất cũng 95%. Giá nhiên liệu tiếp tục tăng vào ngày 30.6 vì áp thuế xăng dầu nhằm giảm thâm hụt tài chính. Dự kiến Ngân hàng trung ương Pakistan sẽ tăng lãi suất trong tuần này. Trong năm nay họ đã nâng lãi suất thêm đến 400 điểm cơ bản.