Hà Nội: Trong 6 tháng, 112 cán bộ bị truy tố về tội tham nhũng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:23, 05/07/2022
Giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung của cả nước
Sáng 5.7, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội khóa 16, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng Hà Nội đã kịp thời ứng phó, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế…
Tuy vậy, Bí thư Thành ủy cho rằng còn nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội có thể phấn đấu đạt cao hơn. Giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong 6 tháng đầu năm thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng.
Số doanh nghiệp mới thành lập giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tăng 13%, đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 51%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Ngoài ra, cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm. Còn nhiều hạn chế tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, thu gom chất thải rắn sinh hoạt... chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững...
Bí thư Thành ủy đề nghị khắc phục ngay những khâu còn yếu kém, chậm trễ trong 6 tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Phải quản lý điều hành ngân sách nhà nước đúng nguyên tắc, hiệu quả. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo nhiệm vụ tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, bởi hiện nay đã xuất hiện chủng mới tại Việt Nam.
Với thực trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp.
6 tháng có 112 người bị truy tố tội tham nhũng
Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, Tòa án nhân dân 2 cấp của TP.Hà Nội thụ lý 39 vụ với 112 bị cáo bị truy tố về tội phạm tham nhũng (trong đó thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 31 vụ/94 bị cáo, thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 8 vụ/18 bị cáo); giải quyết 25 vụ/68 bị cáo (trong đó giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 19 vụ/58 bị cáo, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 6 vụ/10 bị cáo).
Đối với tội phạm về ma túy, thụ lý 1.719 vụ/2.398 bị cáo bị truy tố các tội về ma túy; giải quyết 1.520 vụ /2.069 bị cáo. Đặc biệt, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen" - cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm tòa đã thụ lý 19 vụ với 76 bị cáo bị truy tố các tội liên quan đến tín dụng đen; giải quyết 11 vụ/59 bị cáo. Phần lớn các bị cáo đều bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội Đào Thịnh Cường cho biết cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố mới 4.197 vụ, viện phê chuẩn quyết định khởi tố 6.280 bị can, giảm 767 vụ (15,4%) và 567 bị can (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tội phạm về ma túy, VKS đã ra quyết định khởi tố 1.529 vụ/2.035 bị can (giảm 314 vụ/223 bị can so với cùng kỳ), chủ yếu về các tội tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn mặc dù giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn che giấu tinh vi như lợi dụng các công ty chuyển phát nhanh để đặt hàng ma túy qua mạng internet gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ; sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện... VKS sẽ chỉ đạo các đơn vị đưa ra những giải pháp thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.