Trung Quốc dùng AI để nghiên cứu phản ứng con người trong 'giáo dục chính trị và tư tưởng'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:42, 06/07/2022
Theo đó, hệ thống AI này được thiết kế bởi Trung tâm Khoa học Quốc gia Toàn diện Hợp Phì (tỉnh An Huy, Trung Quốc) và tích hợp ít nhất hai phương pháp thu thập dữ liệu suy nghĩ của mọi người qua nhận dạng khuôn mặt và quét sóng não.
Trong nghiên cứu thử nghiệm hệ thống, 43 người đã được yêu cầu tham gia các bài học về đảng và được quay lại bởi các camera giám sát và được hệ thống AI theo dõi, đánh giá.
Nghiên cứu chỉ ra rằng: “Một mặt, hệ thống AI có thể đánh giá các đảng viên đã chấp nhận tư tưởng và giáo dục chính trị như thế nào. Mặt khác, nó sẽ cung cấp dữ liệu thực tế cho giáo dục tư tưởng và chính trị để hoạt động có thể được cải thiện và phong phú".
Tuy nhiên, hiện chưa rõ hệ thống này có thể được áp dụng trong phạm vi và đối tượng cụ thể như thế nào.
Trước đó, một hệ thống tương tự cũng đã được thử nghiệm trong nước để đánh giá cảm xúc của mọi người. Một số báo cáo vào năm 2017 cho rằng sóng não của nhân viên trong một số nhà máy, xí nghiệp nhà nước và quân đội đã được quét qua mũ bảo hiểm. Những sóng não này sau đó có thể được phân tích thông qua trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu cảm xúc tại nơi làm việc và điều kiện làm việc nhằm đưa ra những điều chỉnh để đáp ứng.
Đáng chú ý, chính phủ Trung Quốc hiện đang ban hành một ứng dụng có tên gọi "Tư tưởng Tập Cận Bình" (Tên gọi khác: Học tập để trở thành cường quốc) để khuyến khích người dân sử dụng để tìm hiểu thêm về đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Ngoài tính năng giúp mọi người tích lũy kiến thức về Chủ tịch Tập Cận Bình và ĐCSTQ, ứng dụng này còn cho phép người dùng đọc báo chính thống, chat video với bạn bè, lên lịch cá nhân và gửi các phong bao lì xì cho mọi người.