Hội nghị ngoại trưởng G-20 bị cuộc chiến ở Ukraine phủ bóng
Quốc tế - Ngày đăng : 10:45, 07/07/2022
G-20 gồm các nước phương Tây cáo buộc Moscow phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và ban bố lệnh trừng phạt Nga, nhưng các nước như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi tránh lên án Nga.
Hội nghị ngoại trưởng G-20 -sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8.7 ở Bali, Indonesia-sẽ là lần đầu tiên một số ngoại trưởng gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christian Wagner nói đây sẽ không là "một hội nghị thượng đỉnh bình thường”, và Đức ở vai trò chủ tịch G-7 (bảy nước công nghiệp phát triển) sẽ điều phối ở Bali về cách phản ứng với ông Lavrov về chuyện chiến tranh ở Ukraine.
Hồi tháng 4, các quan chức cao cấp của Anh, Canada và Mỹ đã rời bỏ phòng họp để tẩy chay đại diện Nga dự hội nghị bộ trưởng tài chính G-20 ở Washington.
Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, nhưng sẽ không có cuộc gặp giữa ông Blinken với Ngoại trưởng Nga Lavrov.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Ramin Toloui cho biết lương thực và năng lượng sẽ là chủ đề chính ở hội nghị cấp bộ trưởng này: “Các nước G-20 nên qui trách nhiệm cho Nga và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ cho nỗ lực LHQ đang tiến hành để mở lại các tuyến đường biển giao lúa mạch”.
Là chủ tịch G-20 trong năm nay, Indonesia lâm thế ở giữa một cơn bão địa- chính trị liên quan cuộc chiến ở Ukraine. Indonesia cố gắng tránh các đe dọa tẩy chay hội nghị của các nước phương Tây, nếu như Tổng thống Nga Vladimir Putin được mời dự hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 11 tới.
Nhằm cố gắng duy trì tính trung lập, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hồi tuần trước đã có chuyến đi làm trung gian hòa bình, thăm Kyiv và Moscow và lần lượt gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Putin.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 6.7, Ngoại trưởng Nga Lavrov kêu gọi tất cả các bên trên thế giới nỗ lực bảo vệ luật pháp quốc tế “vào lúc thế giới đang phát triển một cách phức tạp”.
Theo Reuters, bình luận của ông Lavrov - trước khi ông đến Bali- được đưa ra lúc Nga bị các nước phương Tây cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách mở cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Hãng tin Anh nêu sự phản ứng dành cho ông Lavrov ở Bali cũng có thể cung cấp một dấu hiệu về cách G-20 sẽ phản ứng thế nào, nếu Tổng thống Putin sẽ đến Bali vào tháng 11 tới để dự hội nghị thượng đỉnh G-20.
Chưa có thông tin chính thức xác nhận ông Putin sẽ đến dự sự kiện này.
Ông Widodo đã mời Ukraine dự hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay, cố gắng thuyết phục Nga chấm dứt cuộc ngăn chặn Ukraine xuất khẩu lúa mạch -điều khiến xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu- và ông đã đề nghị Indonesia là “cầu nối ngoại giao” giữa Nga với Ukraines.
Đại sứ Ukraine tại Indonesia, ông Vasyl Hamianin cho biết ngoại trưởng nước ông sẽ phát biểu trực tuyến tại hội nghị ngoại trưởng G-20.