Thành phố Mumbai nhờ Twitter lập bản đồ điểm ngập
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:39, 07/07/2022
Năm nay một tổ chức nghiên cứu hy vọng mạng xã hội có thể đóng vai trò thiết thực hơn: đề nghị người dân đăng thông tin ngập lụt tại nơi họ ở lên Twitter và dữ liệu này sẽ được sử dụng đưa ra cảnh báo ngập lụt theo địa lý thời gian thực.
Người đứng đầu phòng Nghiên cứu khí hậu thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ Subimal Ghosh cho biết: “Vì chúng tôi không thể tự mình theo dõi tình hình lũ lụt trong thành phố, nên chúng tôi nghĩ đến sự giúp đỡ của cộng đồng”.
Tại một số quốc gia như Úc hay Indonesia, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thu thập từ mạng xã hội phục vụ công tác theo dõi một số hiện tượng thời tiết như lũ lụt. Dữ liệu này có thể góp phần cải thiện nỗ lực ứng phó tình huống khẩn cấp hoặc cứu hộ, đồng thời giúp việc dự báo chính xác hơn – điều quan trọng khi biến đổi khí hậu làm tăng tần suất xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo ông Ghosh: “Chúng ta cần các mô hình thích ứng với khí hậu có người dân tham gia vì chúng ta sẽ phải hứng chịu nhiều đợt mưa lớn hơn trong tương lai gần. Ta có thể hiển thị lũ lụt theo thời gian thực như Google Maps hiển thị cảnh báo đỏ cho giao thông”.
Mumbai - nằm trên bờ biển Ả Rập - từ năm 2017 đến 2021 hàng chục lần ghi nhận lượng mưa “cực đoan” (hơn 200 mm trong vòng 24 giờ) – gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó.
Ngay trước lúc mưa gió mùa đến, Viện Công nghệ Ấn Độ ra mắt dự án IIT-Bombay dùng bản đồ kỹ thuật số hiển thị độ cao so với mực nước biển, dữ liệu lượng mưa cùng thông tin người dân địa phương cung cấp trên Twitter. Một hệ thống tự động sẽ thu thập ghi chú “ngập đến mắt cá chân” hay “ngập đến đầu gối trong các dòng tweet rồi cố gắng trích xuất thông tin vị trí và mức độ ngập.
IIT-Bombay cung cấp thông tin lũ lụt thời gian thực cho toàn Mumbai qua một cổng thông tin. Mọi người có thể biết nơi nào cần được bơm thoát nước trước, làm thế nào để kiểm soát giao thông, làm thế nào về nhà.
Ở nhiều nơi khác cũng có dự án dùng đến sự giúp đỡ cộng đồng xây dựng biện pháp ứng phó hoặc cảnh báo lũ lụt.
Khi lũ lụt tràn ở phía đông nước Úc nhấn chìm nhiều thị trấn, công ty khởi nghiệp FloodMapp đăng hàng loạt bản đồ lũ lụt trên các tài khoản mạng xã hội của mình, chủ yếu là Twitter.
Một số người làm theo FloodMapp, đăng bản đồ lũ lụt ở khu vực khác. Nhiều người khác gửi ảnh giúp hoàn thiện bản đồ đã đăng. Công ty cho biết chủ một doanh nghiệp đã yêu cầu nhân viên ở nhà sau khi ông thấy bản đồ cùng bức ảnh từ hàng xóm.
Tại Indonesia, trang web PetaBencana.id dùng đến AI cùng ứng dụng tự động (bot) lập bản đồ thảm họa thời gian thực. Nhà sáng lập trang web Nashin Mahtani cho biết họ yêu cầu mọi người xác minh bài đăng trên mạng xã hội bằng ảnh gắn thẻ địa lý và lấy thêm dữ liệu chính thức để lập nên bản đồ lũ lụt trực tuyến cập nhật từng phút được hàng triệu người sử dụng.
Nam Á và Đông Á là nơi sinh sống của gần 1,36 tỷ trong số 1,46 tỷ người có nguy cơ bị lũ lụt ảnh hưởng. Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý hệ thống thoát nước cùng quy hoạch sử dụng đất yếu kém khiến khu dân cư thu nhập thấp - đặc biệt ở thành phố như Mumbai - chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Mumbai hai năm trước đã ra mắt hệ thống cảnh báo lũ lụt, lắp đặt máy bơm thoát nước lớn ở vùng trũng thấp, nhưng thảm hoạ liên quan đến mưa bão như lở đất hay sập nhà vẫn thường xuyên xảy ra vào những tháng có gió mùa.
Vài tuần gần đây, lũ lụt đã đổ bộ Bangladesh và đông bắc Ấn Độ, cướp đi sinh mạng hơn 25 người ở bang Assam của Ấn cũng như khiến hàng triệu người ở hai quốc gia mắc kẹt trong điều kiện thiết thốn thức ăn nước uống.