Người Mỹ tự đặt hỏi: Kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái?
Quốc tế - Ngày đăng : 16:11, 07/07/2022
Nếu ước tính trên là đúng, nền kinh tế Mỹ - với hai quý liên tiếp sụt giảm GDP - đang suy thoái.
Nhưng xác định suy thoái không đơn giản vậy. Quy luật sụt giảm GDP hai quý liên tiếp là suy thoái chưa chắc đúng vì GDP là một thước đo rộng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chi tiêu chính phủ hay thương mại quốc tế. Giới chuyên gia kinh tế quan tâm đến việc làm, sản xuất công nghiệp, thu nhập nhiều hơn.
Dữ liệu tiêu dùng cá nhân tháng 5 vừa công bố tuần trước cho thấy chi tiêu lẫn thu nhập khả dụng đều giảm – dẫn đến một loạt dự báo ảm đạm cho tháng 6, làm gia tăng suy đoán suy thoái ập đến.
Tranh luận về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra gay gắt trong những tuần tới. Đây là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lẫn chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Sụt giảm GDP là suy thoái?
GDP Mỹ năm 2001 giảm trong quý 1, sau đó quý 2 tăng lên mức cao hơn GDP cuối năm 2000, rồi quay đầu giảm vào mùa thu.
Lúc đó không xảy ra tình trạng sụt giảm GDP hai quý liên tiếp, nhưng tình hình lại được xác định là suy thoái vì việc làm và sản xuất công nghiệp đều giảm.
Suy thoái gây ra bởi đại dịch COVID-19 tại Mỹ chỉ kéo dài hai tháng - từ tháng 3 đến tháng 4.2020 - mặc dù hoạt động kinh tế thiệt hại nghiêm trọng khoảng thời gian đó đồng nghĩa với việc GDP quý 1 lẫn quý 2 đều sụt giảm.
Năm 2016, hoạt động công nghiệp sụt giảm đáng lo ngại gây nên một cuộc “suy thoái nhỏ” dù GDP chưa từng giảm.
Ai xác định nền kinh tế suy thoái?
Tại Mỹ, một hội đồng tập hợp nhiều nhà kinh tế do Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) triệu tập phụ trách xác định nền kinh tế có suy thoái hay không.
Nhóm định nghĩa suy thoái là “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn vài tháng”. Hội đồng tập trung phân tích số liệu việc làm, sản lượng công nghiệp chứ không phải GDP hàng quý. Họ xem xét mức độ sâu rộng của bất cứ thay đổi nào, thời gian sụt giảm kéo dài.
Trong đại dịch, Mỹ mất hơn 20 triệu việc làm trong khi phục hồi kinh tế nhanh chóng không đủ sức bù đắp thiệt hại nên hội đồng nhà kinh tế tuyên bố tình hình suy thoái vào đầu tháng 6.
Kinh tế Mỹ đang suy thoái?
Suy thoái luôn gắn với mất việc làm. Hiện tại mỗi tháng có hàng trăm nghìn việc làm mới dù tăng trưởng việc làm chậm lại.
Sản xuất công nghiệp - một trong số yếu tố quan trọng góp phần xác định kinh tế Mỹ năm 2001 rơi vào suy thoái - cũng đang tăng đều đặn, ít nhất cho đến hết tháng 5.
Ngoài tính toán của hội đồng nhà kinh tế của NBER, một cách xác định suy thoái sát thực tế hơn là quy tắc Sahm (đặt theo tên cựu quan chức Fed Claudia Sahm): khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng tăng nửa điểm phần trăm so với mức thấp trong 12 tháng trước đó thì nền kinh tế đã bước vào suy thoái.
Nếu dựa trên quy tắc Sahm, Mỹ không hề có dấu hiệu suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp luôn dưới 4% và giảm hoặc giữ ổn định kể từ tháng 1.
Các hình thái suy thoái
Suy thoái có nhiều hình thái. Chúng có thể nghiêm trọng nhưng ngắn ngủi như suy thoái vì đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp đạt 14,7%, có thể nghiêm trọng và kéo dài như cuộc đại suy thoái cuối những năm 2000 khiến thị trường việc làm rất lâu mới phục hồi.
Giới phân tích nhận định có khả năng Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ. Tuy nhiên như vậy cũng có thể làm mất 1% việc làm – tương đương 1 triệu rưỡi người.
Một khả năng khác là “suy thoái tăng trưởng”: tăng trưởng thấp hơn mức 1,5 - 2% hàng năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhưng không nhiều. Đây là kịch bản Fed vạch ra khi họ quyết định tăng lãi suất thời gian gần đây.