Biến thể Omicron BA.4 và BA.5 có thực sự nguy hiểm hơn các biến thể trước đây?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:06, 07/07/2022
Trước khi nói về biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5, chúng ta quay ngược thời gian để nói về biến thể Omicron của vi rút SARS- CoV-2.
Vào cuối tháng 11.2021, biến thể Omicron với 3 dòng là: BA.1, BA.2 và BA.3 đã xuất hiện tại Nam Phi rồi lan ra toàn cầu thay thế cho biến thể Delta trước đó.
Đến tháng 1 và tháng 2.2022 cũng tại Nam Phi xuất hiện lần lượt biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5 rồi sau đó lây lan ra khắp thế giới.
Cuối tháng 6.2022 biến thế phụ Omicron BA.4 và BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam; đến ngày 4.7.2022, TP.HCM phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5, trong đó có 2 trường hợp BA.4 và 1 trường hợp BA.5.
Khi biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng, số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.
Tại TP.HCM, qua hệ thống giám sát dịch của ngành y tế cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%
Tại cuộc họp báo thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào chiều 7.7, trả lời câu hỏi của phóng viên Một Thế Giới về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron BA.4 và BA.5 so với các biến thể khác, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) các dòng BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Mỹ. Trong tuần lễ cuối tháng 6.2022, riêng Omicron BA.5 đã chiếm tới 36,6% ca mắc ở Mỹ, trong khi BA.4 chiếm từ 15,7% ca nhiễm.
Tính tổng cộng, hai biến thể BA.5 và BA.4 chiếm tới 52% ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ. Số các trường hợp mắc mới COVID-19 tại Hoa Kỳ khoảng 100.000 ca trong tuần, tăng 2,9% so với một tuần trước đó. Các chuyên gia dự báo rằng 2 biến thể này đang dần chiếm chủ đạo và số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tuần tới.
Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới công bố số ca mắc mới trong tuần qua tăng 18% so với tuần trước, số tử vong mới trong tuần tăng 3% so với tuần trước, sự gia tăng số ca mắc và tử vong này tương ứng với BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và BA.5 tăng từ 28% lên 43%.
So sánh về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron BA.4, BA.5 so với biến thể BA.1, BA.2 trước đây, bà Như cho biết, biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%.
“Cả 2 biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến chủng Delta trước đó. Tuy nhiên, đa số các dữ liệu lâm sàng đều cho thấy việc đã tiêm vắc xin có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị”, bà Như cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo bà Như, biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với nhiễm các biến thể trước đó, đặc biệt sau khi đã tiêm chủng vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh.
Mặc dù vậy, các dữ liệu cũng cho thấy biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỷ lệ nhỏ (đáng kể so với biến chủng Delta trước đây) người mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ.
“Ngay cả khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người bị nhiễm các biến thể Omicron cần nhập viện, khi có một số lượng lớn các ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra khả năng gây các biến chứng hậu COVID-19 của các biến chủng này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều”, bà Như nhấn mạnh.
Quan trọng nhất vẫn là các biện pháp dự phòng
Để ứng phó với biến thể biến thể Omicron BA.4 và BA.5, bà Như cho biết, ngành y tế TP đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tiếp trục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.
Tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp, mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa, đơn vị điều trị COVID-19.
Hiện TP có 4 bệnh viện tuyến cuối thu dung, điều trị COVID-19 là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP cùng với 3 bệnh viện tuyến cuối của Trung ương đóng trên đại bàn TP là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Quân y 175.
Riêng Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phụ trách, nhưng sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Ngoài ra các quận, huyện trên địa bàn TP cũng phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.
Bà Như cho rằng, vấn đề quan trọng nhất lúc này là các biện pháp dự phòng COVID-19. Cần tuân thủ vấn đề mang khẩu trang, khử khuẩn khi đến nơi công cộng, đồng thời tăng cường tiêm vắc xin.
Thực tế cho thấy, hiệu quả của vắc xin suy giảm theo thời gian ở những người lớn tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Dựa trên phân tích dữ liệu, liều tăng cường (mũi thứ 3) là rất quan trọng trong việc giúp bảo vệ tất cả người lớn bị nhiễm COVID-19 khỏi hậu quả nghiêm trọng, liều tăng cường thứ hai (mũi 4) có thể giúp tăng cường kháng thể và mũi thứ 5 cũng thế.
Do đó, TP tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin đến từng hộ gia đình, ngành y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.