Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng khác thường sau khi thủ tướng Anh "ngã ngựa"

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:43, 08/07/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ra thông cáo sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức. BBC của Anh dẫn ý kiến cho rằng thông cáo của Nhà Trắng chỉ chứng tỏ hai lãnh đạo Anh và Mỹ không phải là bạn thân của nhau.

Thông cáo của người đứng đầu nước Mỹ khẳng định: "Vương quốc Anh và Hoa Kỳ là những người bạn và đồng minh thân thiết nhất, và mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân của chúng ta vẫn bền chặt và lâu dài"

'Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Vương quốc Anh, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới, trong một loạt các ưu tiên quan trọng. Trong đó bao gồm việc duy trì cách tiếp cận mạnh mẽ và đoàn kết để hỗ trợ người dân Ukraine khi họ tự bảo vệ mình trước cuộc chiến khốc liệt của ông Putin đối với nền dân chủ của họ và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình”.

Tuy nhiên, BBC của Anh nhấn mạnh thông cáo của Tổng thống Mỹ không nhắc tên ông Boris Johnson. Đồng thời BBC cho biết điều ai cũng biết lâu nay là ông Biden và Johnson có những khác biệt. Ví dụ, ông Biden phản đối Brexit, trong khi ông Johnson là người thực thi việc đưa Anh ra khỏi EU.

Dù BBC đưa ý kiến có người cho rằng có thể ông Biden không nhắc tên ông Johnson, vì tạm thời ông Johnson vẫn đang là Thủ tướng Anh, trong lúc đảng Bảo thủ thảo luận thủ tục chọn lãnh đạo mới.

Nhưng sau đó họ lại quay về nhắc lại ý kiến cũng có người cho rằng thông cáo của Nhà Trắng chỉ chứng tỏ hai lãnh đạo Anh và Mỹ không phải là bạn thân của nhau.

Trên CNN vào tuần trước, nhà bình luận Sam Kiley vừa có bài phân tích cho thấy Mỹ không hề hài lòng với Thủ tướng Anh. Trong đó, Kiley chê trách Thủ tướng Johnson là người có tầm nhìn chỉ phục vụ lợi ích hạn hẹp của Anh, chối bỏ trách nhiệm với châu Âu, xé toạc các quy tắc quốc tế như sau:

“Đối với tất cả những lời kêu gọi trong cuộc vận động trở thành thủ tướng để phá vỡ bế tắc chính trị và "Hoàn tất Brexit", chính phủ của Johnson đã không đảm bảo được một thỏa thuận thương mại với Brussels.

Trên hết, chính phủ của Johnson đã công bố một dự luật sẽ phá bỏ một thỏa thuận với EU, Nghị định thư Bắc Ireland, mà chính Johnson đã đàm phán và ký kết.

Làm như vậy gần như chắc chắn sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Kế hoạch áp thuế đối với thép nhập khẩu vào Vương quốc Anh có nguy cơ phá vỡ các Quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Và có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất thép.

Bị lên án bởi phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR), trong đó ngăn chặn việc Anh gửi những người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda, chính phủ của Johnson hiện đang đe dọa rời khỏi tổ chức.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), con đẻ của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) có một tầm nhìn rất Anh. Nghị định thư Bắc Ireland là một hiệp ước của Anh-EU nhằm đảm bảo Thỏa thuận Good Friday mang lại hòa bình cho Bắc Ireland. Việc xé toạc cấu trúc của những thỏa thuận này làm suy giảm vị thế của Anh trên thế giới.

Việc Thủ tướng Anh đe dọa rời khỏi ECHR, một tòa án mà người Anh đã giúp thiết lập để thiết lập một hệ thống pháp luật toàn châu Âu nhằm ngăn chặn các hành động tàn bạo ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có vẻ kỳ lạ đối với người Ukraine”.

Ngoài chỉ trích chính sách của Thủ tướng Johnson thì nhà báo CNN cũng không ngại nói luôn những điểm dở mang tính cố hữu của ông này:

“Trong nhiều năm, Johnson, nhà ảo thuật chính trị có vẻ vụng về, là cậu bé vàng của đảng Bảo thủ của Anh. Một vở hài kịch; cú áp phe toan tính của Johnson trong Brexit và chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử long trời lở đất.

Theo chị gái của mình, Rachel, một Johnson thời thanh niên đã nói rằng mình muốn trở thành "vua thế giới." Khi trưởng thành, ông phải giải quyết tham vọng trở thành người đứng đầu chính phủ của Anh. Và ông đã không ngừng để đạt được mục tiêu đó.

Nhưng vào tháng 6, hào quang chính trị của Johnson bị lật tẩy khi đảng Bảo thủ của ông bị 2 thất bại cùng lúc trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung ngày 23.6.

Ông ta đã sống sót sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng của mình. Nhưng có thể sẽ sớm phải đối mặt với điều khác khi những người Tory (thuật ngữ chỉ thành viên hoặc những người ủng hộ cho đảng Bảo thủ) được cho là đang cố gắng thay đổi các quy tắc - có nghĩa là ông ta có thể bị loại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác trong vòng 12 tháng tới”.

Lời tiên đoán của Sam Kiley đã thành hiện thực nhưng chỉ có điều là không cần chờ đến trong 1 năm mà chỉ là 1 tuần đã ứng nghiệm. Có lẽ sau Johnson từ chức thì chính quyền Mỹ muốn hợp tác với một vị thủ tướng Anh biết nhìn đại cục hơn.

Anh Tú