TP.HCM quan tâm mô hình taxi cấp cứu và cấp cứu bằng đường thủy
Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:04, 08/07/2022
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện - Cấp cứu chấn thương” do Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức tổ chức hôm nay (8.7), bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết mới đây Công ty Mai Linh đã làm đề án trình UBND TP kích hoạt lại mô hình taxi cấp cứu chuyển bệnh.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, mô hình taxi cấp cứu chuyển bệnh đã đáp ứng được nhu cầu tiếp cận nhanh, gắn bình oxy để duy trì hô hấp cho bệnh nhân nhằm chuyển đến bệnh viện. Đến thời điểm này, sứ mệnh taxi cấp cứu chuyển bệnh đã hoàn thành. Tuy nhiên, do có nhiều hiệu quả trong thực tiễn, Công ty Mai Linh đã làm đề án trình UBND TP kích hoạt lại mô hình taxi cấp cứu chuyển bệnh. “Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của TP. Hiện nay có 39 trạm cấp cứu vệ tinh, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vẫn là một doanh nghiệp vận chuyển cấp cứu, nhưng đơn vị này sẽ thực hiện 2 mô hình đó là xe cấp cứu và taxi cấp cứu”, bác sĩ Long cho biết.
Ông Long cho rằng định hướng này sẽ rất phù hợp với thực tiễn hoạt động cấp cứu hiện nay ở TP. Vừa rồi, Sở Y tế cũng đã họp và cho ý kiến về đề án mô hình taxi cấp cứu. “Bản thân tôi thấy mô hình này hợp và cũng đã hướng dẫn đơn vị này điều chỉnh lại đề án. Hy vọng thời gian sắp tới đây sẽ có loại hình taxi cấp cứu chuyển bệnh song song với xe cứu thương cấp cứu truyền thống, nhưng can thiệp tối giản để đưa vào bệnh viện”, bác sĩ Long nói.
Đánh giá về tính khả thi của đề án taxi cấp cứu chuyển viện của Công ty Mai Linh, bác sĩ Long cho biết thách thức lớn trong đề án này chính là nguồn lực; còn về cơ sở vật chất thì không phải lo, vì những đơn vị tư nhân có thể mạnh về kinh tế.
Nguồn nhân lực là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ. Các đơn vị tham gia vào hoạt động cấp cứu đều đang thiếu đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng lên xe cứu thương. Vì thế nguồn nhân lực cho mô hình này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đang tính đến phương án giúp xuống một mức, thay vì chúng ta đi theo quy định của xe cấp cứu truyền thống, chúng ta quy định một loại hình giống như chuyển bệnh, đáp ứng nhu cầu nhẹ hơn nhu cầu cấp cứu. Lực lượng này sẽ chuyên biệt, chỉ cần là một kỹ thuật viên cấp cứu ngoại viện. Tôi nghĩ Công ty Mai Linh có thể cử người đến Trung tâm Cấp cứu 115, Hội chữ thập đỏ đào tạo để có pháp nhân được quyền can thiệp người bệnh trong tình huống cấp cứu. Lực lượng này sẽ thực hiện cấp cứu những trường hợp nhẹ, hoặc những tình huống mà xe cứu thương không thể đến kịp. Tôi nghĩ, chúng ta nên mạnh dạn thí điểm mô hình cấp cứu ngoại viện này”, bác sĩ Long chia sẻ.
Bác sĩ Long cũng cho biết hiện nay Trung tâm Cấp cứu 115 cũng đang trao đổi với Bệnh viện Quân y 175 thực hiện mô hình cấp cứu bằng đường thủy. Đặc thù tại TP cũng có những tuyến kênh rạch nên cần khai thác cấp cứu ngoại viện bằng phương tiện đường thủy.
“Việc cấp cứu có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, môi trường nào, nếu triển khai được việc cấp cứu bằng đường thủy sẽ đáp ứng được nhu cầu”, bác sĩ Long nói và cho biết sẽ học hỏi mô hình cấp cứu bằng đường thủy mà hiện nay đang được một bệnh viện quốc tế ở Cần Thơ thực hiện để vận dụng, hoặc xây dựng mô hình cấp cứu bằng đường thủy cho TP.HCM trong tương lai.
Có thể nói, ngành y tế TP.HCM đang làm hết tất cả các cách để tăng độ bao phủ cấp cứu, giúp thuận lợi hơn trong việc cấp cứu cho người dân.
“Nếu so với nước ngoài thì mô hình cấp cứu ngoại viện của chúng ta cũng như vậy. Trước đây, cấp cứu ngoại viện được chia làm 2 mô hình chính là Paramedic (Mỹ) và Samu (châu Âu). Trong đó, mô hình Samu là mang bệnh viện đến hiện trường, can thiệp ngay tại hiện trường và khi đưa vào bệnh viện thì đưa thẳng vào khoa điều trị chuyên sâu, chứ không đưa vào khoa cấp cứu nữa; còn mô hình Paramedic là nhân viên cấp cứu tới hiện trường xử lý nhanh rồi đưa về khoa cấp cứu của bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay 2 mô hình này có sự trộn lẫn giữa hiện đại nhất và đơn giản nhất để làm sao giúp người dân tiếp cận nhanh nhất với nguồn lực y tế”, bác sĩ Long chia sẻ.