Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka chấp nhận từ chức

Chuyển động - Ngày đăng : 08:37, 10/07/2022

Trước sức ép từ cuộc biểu tình bạo lực, cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lẫn Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều chấp nhận từ chức.

Quyết định của Tổng thống Rajapaksa được Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena thông báo: “Quyết định từ chức vào ngày 13.7 nhằm đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Vì vậy tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và duy trì hòa bình”. Phía Thủ tướng Wickremesinghe cũng tuyên bố sẵn sàng từ chức nhường chỗ cho một chính phủ quy tụ được tất cả các đảng phái.

herxh7ty6zkpbgbyxzoazlfjm4.jpg
Người biểu tình tập trung bên trong dinh Tổng thống Sri Lanka - Ảnh: Reuters

Không biết diễn biến trên có thể xoa dịu sự giận dữ của người dân hay không. Chưa có thông tin chi tiết gì về quá trình chuyển giao quyền lực, tuy nhiên Chủ tịch Abeywardena ngày 9.7 đề xuất Quốc hội chọn ra Tổng thống mới trong vòng 1 tuần, sau đó quyền Tổng thống chọn ra tân Thủ tướng cùng chính phủ, tiếp theo là tổ chức bầu cử Quốc hội.

Nhà phân tích người Sri Lanka Kusal Perera nhận định tình hình hiện tại rất tồi tệ: “Nếu không có quá trình chuyển giao quyền lực rõ ràng thì việc cả tổng thống lẫn thủ tướng từ chức sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm. Quốc hội có thể chỉ định một chính phủ quy tụ được tất cả các đảng phái, nhưng chưa chắc người dân chấp nhận chính phủ này”.

Trong ngày 9.7, quân đội cùng cảnh sát Sri Lanka không thể ngăn người biểu tình xuống đường đòi Tổng thống Rajapaksa từ chức. Họ xông vào dinh thự Tổng thống và phóng hỏa nhà riêng Thủ tướng. Cả hai ông Rajapaksa và Wickremesinghe đều đã sơ tán từ trước.

sri.jpg
Nơi ở của Thủ tướng Sri Lanka bị phóng hỏa - Ảnh:Livemint

Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng khiến nước này chỉ có thể nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men một cách hạn chế. Trường học buộc phải đóng cửa, hàng loạt dịch vụ thiết yếu ngừng hoạt động, lạm phát tháng 6 tăng lên mức 54,6%.

Nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống Rajapaksa. Từ tháng 3 đến nay hàng loạt cuộc biểu tình ôn hòa nổ ra yêu cầu ông từ chức. Cuộc biểu tình mới nhất bùng nổ thành bạo loạn.

Cẩm Bình