Hơn 80% mẫu nước tiểu ở Mỹ có chứa thành phần hóa chất diệt cỏ liên quan tới ung thư

Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:37, 11/07/2022

Hơn 80% mẫu nước tiểu được lấy từ trẻ em và người lớn trong một nghiên cứu sức khỏe tại Mỹ có chứa thành phần hoá chất diệt cỏ, diệt côn trùng có liên quan đến ung thư.

Báo cáo của một đơn vị thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy trong số 2.310 mẫu nước tiểu, được lấy từ một nhóm người Mỹ được coi là đại diện cho dân số Hoa Kỳ, 1.885 mẫu có chứa glyphosate. Đây là hoạt chất trong các loại thuốc diệt cỏ được bán trên khắp thế giới, bao gồm cả nhãn hiệu Roundup được sử dụng rộng rãi. Gần 1/3 số người tham gia là trẻ em từ 6 - 18 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã chú ý đến hàm lượng cao glyphosate trong chất diệt cỏ trong các phân tích mẫu nước tiểu của con người trong nhiều năm. Nhưng gần đây, CDC chỉ mới bắt đầu kiểm tra mức độ phơi nhiễm của con người với glyphosate ở Mỹ trong bối cảnh nhiều lo ngại và tranh cãi về thuốc trừ sâu trong thực phẩm và nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

thuoc-diet-con-glyphosate.png

Lianne Sheppard, Giáo sư tại khoa khoa học sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Đại học Washington (Mỹ) cho biết: "Tôi hy vọng rằng việc nhận ra rằng hầu hết chúng ta có glyphosate trong nước tiểu sẽ khiến nhiều người lo lắng. Nhờ nghiên cứu mới này, chúng tôi biết rằng một phần lớn dân số có chất này trong nước tiểu". 

Sheppard đồng tác giả một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tiếp xúc với glyphosate làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin. Ông cũng là đồng tác giả của một bài báo khoa học năm 2019 đã xem xét 19 nghiên cứu ghi lại glyphosate trong nước tiểu người.

Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2017 bởi các nhà nghiên cứu của Đại học California, Trường Y San Diego (Mỹ) , cả số lượng và tỷ lệ lưu hành glyphosate trong nước tiểu người đều tăng đều đặn kể từ những năm 1990 khi công ty Monsanto giới thiệu cây trồng biến đổi gene được thiết kế để phun trực tiếp thuốc diệt cỏ Roundup.

Paul Mills, nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, cho biết vào thời điểm đó "nhu cầu cấp bách" là phải kiểm tra kỹ lưỡng về tác động của glyphosate có trong thực phẩm tới sức khoẻ con người

Hơn 200 triệu pound glyphosate được nông dân Mỹ sử dụng hàng năm trên các cánh đồng. Thuốc diệt cỏ được phun trực tiếp lên cây trồng biến đổi gen như ngô và đậu nành, và cả cây trồng không biến đổi gen như lúa mì và yến mạch như một chất hút ẩm để làm khô cây trồng trước khi thu hoạch. Nhiều nông dân cũng sử dụng nó trên các cánh đồng trước mùa trồng trọt, bao gồm cả những người trồng rau bina và những người sản xuất hạnh nhân. Nó được coi là loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử.

Dư lượng glyphosate đã được ghi nhận trong một loạt loại thực phẩm phổ biến được chế biến từ các loại cây trồng có phun glyphosate, bao gồm cả thức ăn cho trẻ em. Con đường phơi nhiễm chủ yếu của trẻ em là qua đường ăn uống.

Monsanto và Bayer, công ty mua lại Monsanto vào năm 2018, đã khẳng định rằng các sản phẩm glyphosate và Roundup là an toàn và dư lượng trong thực phẩm, nước tiểu của con người không phải là nguy cơ đối với sức khỏe.

Tuyên bố này đã mâu thuẫn với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, một đơn vị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã phân loại glyphosate là chất có thể gây ung thư ở người vào năm 2015.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đưa ra lập trường ngược lại, phân loại glyphosate là không có khả năng gây ung thư. Nhưng vào tháng 6, một tòa phúc thẩm liên bang đã đưa ra ý kiến ​​bỏ qua quyết định an toàn của cơ quan này và yêu cầu phải “xem xét thêm” bằng chứng về rủi ro glyphosate.

Phil Landrigan, người đã làm việc nhiều năm tại CDC và EPA và hiện chỉ đạo Chương trình Sức khỏe Cộng đồng Toàn cầu và Công ích tại Trường Cao đẳng Boston (Mỹ), cho biết: "Mọi người ở mọi lứa tuổi nên được quan tâm, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến trẻ em. Trẻ em tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu hơn người lớn vì chúng uống nhiều nước hơn, ăn nhiều thức ăn hơn và hít thở nhiều không khí hơn. Ngoài ra, trẻ em có nhiều năm trong cuộc sống tương lai khi chúng có thể phát triển các bệnh có thời gian ủ bệnh lâu như ung thư. Đây là mối quan tâm đặc biệt với thuốc diệt cỏ, glyphosate". 

Cynthia Curl, trợ lý giáo sư về sức khỏe môi trường và cộng đồng của Đại học Boise State (Mỹ), cho biết "rõ ràng là có mối liên quan" của việc một tỷ lệ lớn dân số Mỹ tiếp xúc với glyphosate, nhưng cho biết vẫn chưa rõ điều đó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người.

Đan Thuỳ