Báo Mỹ: Niềm tin của Tổng thống Putin vào chiến lược quân sự đang đi đúng hướng?
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:17, 11/07/2022
Vừa mới hoàn thành cuộc chinh phục tỉnh Luhansk ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội nghỉ ngơi và đưa ra thách thức đối với những người ủng hộ NATO của Ukraine. Hôm thứ năm tuần trước, ông Putin tuyên bố: “Hôm nay chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Có thể nói gì đây? Hãy để họ thử coi”. Một ngày sau, Tổng thống Biden đã đáp lại ông Putin một cách chính xác: công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 400 triệu USD cho Kyiv, bao gồm 4 bệ phóng tên lửa tầm xa HIMARS mới. Con số này sẽ nâng tổng số HIMARS của Mỹ được chuyển giao cho Ukraine lên 12 chiếc; Chính phủ Đức và Anh đã cam kết các hệ thống tương tự.
Thông báo của ông Biden, không nằm ngoài dự đoán, có ý nghĩa cả về mặt chiến thuật và chiến lược. Về mặt chiến thuật, cuộc chiến ở Ukraine đã phát triển thành một cuộc chiến khốc liệt, trong đó Nga đang nắm giữ lợi thế nhờ số lượng vũ khí và đạn dược vượt trội. Bị đẩy lùi sau những tháng đầu đánh rộng - bao gồm cả thủ đô Kyiv - thông qua một cuộc tấn công kết hợp trên không, trên biển và trên bộ bốn tháng trước, Nga sau đó đã gặt hái thành công lớn hơn khi pháo kích vào các vùng đông nam Ukraine bất chấp tổn thất sinh mạng và của cải. Hệ thống HIMARS, có khả năng bắn các tên lửa nhắm mục tiêu chính xác ở phạm vi hơn 40 dặm, có thể giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Moscow, chủ yếu bằng cách cho nổ tung các kho chứa đạn dược. Để chắc chắn, phải mất vài tuần để huấn luyện quân đội Ukraine vận hành HIMARS, nhưng họ được cho là đã sử dụng chúng để phá hủy nhiều kho vũ khí của Nga trong những ngày gần đây, bằng chứng là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khoe khoang rằng chúng đang “hoạt động rất hiệu quả”.
Đẩy mạnh nguồn cung cấp HIMARS là đúng đắn về mặt chiến lược, lâu dài vì hy vọng duy nhất về một nền hòa bình cuối cùng có lợi cho Ukraine chính là việc khiến cho cái giá của cuộc chiến này trở nên quá sức chịu đựng của ông Putin. Chẳng biết có phải vì thế không mà hôm thứ năm tuần trước ông Putin tuyên bố rằng ông "không từ chối các cuộc đàm phán hòa bình nhưng các người cần biết rằng càng đi xa, càng khó đạt được thỏa thuận với chúng tôi".
Niềm tin của ông ấy rằng thời gian đang đứng về phía Nga rõ ràng là thành thực và - thật không may – điều đó không phải là không có cơ sở. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây tổn hại không chỉ cho Nga mà còn với cả các nước phương Tây đã áp đặt chúng; Ukraine đang hứng chịu thương vong rất lớn. Ông Putin từ lâu đã tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô không phải do hệ thống mà do ý chí của giới lãnh đạo, điều mà ông sẽ không lặp lại. Có thể không có cách nào để tẩy niềm tin này của ông ta, nhưng nếu có, nó nằm ở việc khuất phục ý chỉ của ông ta.
Lý do khác để củng cố khả năng của Ukraine, một cách khẩn cấp và cơ bản, là các lực lượng của Kyiv phải tung ra được đòn phản công tương xứng sau khi các cuộc tấn công của Nga tới hạn, điều mà nước này có thể đang làm. Quân đội Ukraine đang tiến về lãnh thổ do Nga nắm giữ ở phía tây nam, gần thành phố chiến lược Kherson, dù chưa có hy vọng tái chiếm được nó. Quyết định đàm phán chấm dứt chiến tranh, như ông Biden đã nhiều lần thừa nhận, là của Ukraine. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho Ukraine làm điều đó từ một vị thế có thế mạnh hay không là tùy thuộc vào Washington.