Mỹ để mắt đề phòng các hành động của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Chuyển động - Ngày đăng : 17:18, 11/07/2022

Chuyến thăm Thái Lan của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho thấy chính quyền Mỹ khẳng định cam kết lâu dài với Đông Nam Á vào lúc Trung Quốc tăng cường áp đặt ảnh hưởng ở khu vực này.
anh-chinh-phu-thai.jpeg
Ngoại trưởng Mỹ Blinken gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth - Ảnh: Văn phòng Chính phủ Thái Lan

Theo báo Asahi Shimbun ngày 11.7, ông Blinken thăm Thái Lan sau khi dự hội nghị cấp ngoại trưởng G20 ở Indonesia, nơi ông cáo buộc Trung Quốc ủng hộ Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, và ông nói sự ủng hộ đó đang gây phức tạp cho quan hệ đã sẵn căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.

Sau khi có cuộc hội đàm 5 giờ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Indonesia hôm 9.7, ông Blinken cảnh báo sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Nga về chiến tranh Ukraine là một mối đe dọa cho trật tự quốc tế dựa theo luật. Chuyến thăm Thái Lan của ông nhằm tăng cường chí ít một phần nhỏ của trật tự đó.

Tại Bangkok, ông Blinken ký hai thỏa thuận hợp tác với người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai, hứa mở rộng hợp tác chiến lược với Thái Lan và cải thiện sự bền vững của chuỗi cung ứng.

Dù khiêm tốn, hai thỏa thuận này phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, một chiến lược của chính phủ Mỹ nhằm kiềm chế những hành vi khiêu khích của Trung Quốc, cũng như đề ra các hướng thay thế các chương trình phát triển do Bắc Kinh bảo trợ. Nhiều quan chức Mỹ đã nhận định chương trình phát triển của Trung Quốc chính là chiếc bẫy nợ được giăng nhắm vào các nước nhỏ và nghèo hơn.

Ngoại trưởng Blinken không hề nhắc đến Trung Quốc khi ông nói chuyện với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hoặc với Ngoại trưởng Thái Lan. Nhưng sau khi ký hai thỏa thuận, ông nói Mỹ - Thái “cùng chia sẻ một mục tiêu là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, kết nối để thịnh vượng, bền vững và an ninh”.

Các quan chức Mỹ thường dùng câu này để chỉ việc đề phòng Trung Quốc thống trị tại khu vực trên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã có lời bình luận tương tự khi ông thăm Bangkok hồi tháng trước và gặp Thủ tướng Prayuth của Thái Lan.

Thái Lan đã là một thành viên của Diễn đàn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một sáng kiến của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden lập đầu năm 2022, nhằm đối trọng với dự án Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc. BRI đã đổ hàng tỉ USD vào các dự án phát triển-xây dựng cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, châu Âu, châu Phi.

Như các vị tiền nhiệm, chính phủ ông Biden đã cảnh giác ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và cố gắng kiềm chế Trung Quốc theo các chuẩn mực quốc tế nhưng không đạt thành công đáng kể.

Theo AP, Mỹ và các nền dân chủ khác đang cố gắng khuyên can các nước Đông Nam Á và các quốc gia khác không nhảy vào các dự án phát triển-xây dựng cơ sở hạ tầng tầm cỡ lớn cùng Trung Quốc, trừ phi họ chứng minh được sự an toàn cho môi trường và kinh tế.

Ngoại trưởng Blinken đã nói tại hội nghị ngoại trưởng G20: “Chúng tôi không yêu cầu các nước lựa chọn, nhưng là để họ lựa chọn khi có những vấn đề như đầu tư, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển. Điều chúng tôi muốn đảm bảo là chúng tôi đang tham gia vào một cuộc chạy đua đến đỉnh cao - nghĩa là chúng tôi làm mọi thứ với tiêu chuẩn cao nhất - không phải là một cuộc chạy đua xuống đáy nơi chúng tôi làm mọi thứ với những tiêu chuẩn thấp nhất”.

Bảo Vĩnh