Giám đốc Sở Y tế TP.HCM xin lỗi đồng nghiệp vì chậm trễ gửi giấy khen, tiền thưởng chống dịch

Sự kiện - Ngày đăng : 11:59, 12/07/2022

Ngày 12.7, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có thư gửi các “chiến sĩ áo trắng” trên mọi miền Tổ quốc đã tiếp sức cho nhân viên y tế TP chống dịch COVID-19 vừa qua, và gửi lời xin lỗi về việc chậm trễ gửi giấy khen, tiền thưởng.

Mở đầu bức thư, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhớ lại những tháng ngày đầy gian nan, thử thách đối với mỗi nhân viên y tế, tất cả đã cùng với người dân và chính quyền TP căng mình chống chọi lại với đại dịch COVID-19, thấm thoát đã gần một năm trôi qua.

“Đó là khoảng thời gian không thể quên được đối với mỗi nhân viên y tế TP chúng tôi, tất cả đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đau thương khác nhau. Nếu như đó là cảm xúc lo lắng tăng dần của những ngày đầu tháng 6 khi chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày cứ tăng cao theo cấp số nhân, trong khi số giường của các bệnh viện dã chiến không kịp đáp ứng, rồi chuyển sang trạng thái hoang mang thật sự khi dịch bệnh cứ diễn biến xấu dần theo mỗi ngày của tháng 7 rồi tháng 8… và cả tháng 9”, ông Thượng viết.

giam-sdoc-so-y-te-tphcm-xin-loi-dong-nghiep-vi-cham-tre-gui-giay-khen-tien-thuong-chong-dich-hinh-anh(1).png
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: PV 

Khi số ca trở nặng cứ tăng nhanh mỗi ngày, vượt quá khả năng tiếp nhận cấp cứu của các bệnh viện, tiếng còi xe cấp cứu cứ vang lên khắp TP như xé lòng, và nhất là khi phải tận mắt chứng kiến số trường hợp tử vong tại các bệnh viện cứ tăng cao mỗi ngày, cho dù tất cả nhân viên y tế TP đã căng sức và nỗ lực hết mình.

Theo ông Thượng, lúc bấy giờ tất cả nhân viên y tế tuy không một lời kêu than, nhưng trên nét mặt của từng người đã lộ rõ dấu hiệu kiệt sức về thể chất, mệt mỏi về tinh thần, chúng tôi thật sự lo lắng về khả năng cầm cự với dịch bệnh, khi nhân viên y tế bắt đầu có dấu hiệu của hội chứng “burned-out”! (*)

Chính vào thời điểm ấy, nhân viên ngành y tế TP như được tiếp thêm sức mạnh khi đón nhận hàng nghìn rồi hàng chục nghìn các bạn đồng nghiệp là bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, các chiến sĩ quân y… đến từ mọi miền đất nước để cùng chung sức, cùng gánh vác và chia sẻ công tác chống dịch với nhân viên y tế Thành phố.

Tất cả nhân viên y tế chúng ta đã cùng với người dân và Chính quyền Thành phố chiến đấu không mệt mỏi với dịch bệnh COVID-19 và đã kiểm soát được dịch bệnh để TP có được như ngày hôm nay.

“Chúng tôi xin ghi nhớ mãi những hình ảnh đẹp và vô cùng sống động của những tháng ngày đau thương ấy, những hình ảnh đã tạo nên một dấu ấn lịch sử của ngành y tế TP về những tháng ngày chống chọi với đại dịch COVID-19.

Một lần nữa, ngành y tế TP xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến quý đồng nghiệp - những chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đã kịp thời tiếp sức cho nhân viên y tế TP chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua”, ông Thượng bày tỏ.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ông Thượng cho biết, các chiến sĩ áo trắng của ngành y tế TP tiếp tục hun đúc, và phát huy để ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của các dịch bệnh mới nổi, và dịch bệnh lưu hành, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng bùng phát trong giai đoạn hiện nay.

“Nhân dịp này, từ đáy lòng mình, cho phép chúng tôi chuyển lời xin lỗi về sự chậm trễ trong việc gửi giấy khen và tiền thưởng đến quý đồng nghiệp trên cả nước, chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ và lượng thứ của các bạn”, ông Thượng viết tiếp.

Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế TP.HCM đang khẩn trương gửi giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng theo quy định qua tài khoản của các Sở y tế tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ quốc phòng, các trường học… Tất cả sẽ hoàn thành trong tuần này.

(*) Hội chứng burned-out. Hội chứng này xuất hiện ở các thầy thuốc lần đầu tiên được mô tả vào năm 1974 bởi chuyên gia tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger. Đây là một hội chứng liên quan đến công việc rất đặc thù của những người công tác trong ngành y tế, gồm 3 triệu chứng chính: Kiệt sức: là cảm giác thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi do một hoặc nhiều yếu tố trong lĩnh vực về năng lượng, cảm xúc và tinh thần. Các triệu chứng thể chất hay gặp như đau dạ dày, ruột. Hoài nghi: thấy công việc của họ ngày càng căng thẳng và bực dọc, mất khả năng đồng cảm và kết nối với bệnh nhân, nhân viên và đồng nghiệp, thậm chí hay đổ lỗi hoặc cảm thấy có lỗi. Giảm hiệu quả công việc: thấy khó tập trung, không lắng nghe và thiếu sự sáng tạo.

Hồ Quang