Thái độ của Nga tại Ukraine khiến Mỹ rơi thế kẹt: kiểm soát hạt nhân hay mất mặt với đồng minh?

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:38, 13/07/2022

Hal Brands là thành viên của Ban Chính sách Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông vừa có bài viết khá bi quan cho vị thế của Mỹ trên trang Bloomberg.

Cuộc chiến ở Ukraine đã phá vỡ sự ổn định ở Đông Âu. Nó cũng đang làm căng thẳng một trong những thành tựu vĩ đại của Mỹ và toàn cầu thời hậu chiến: Một hệ thống giữ cho câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí hạt nhân có số lượng thành viên khiêm tốn và không mở rộng.

Như một báo cáo do Viện Brookings công bố, một trong những “thiệt hại tiềm tàng của cuộc xung đột này là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và nỗ lực quốc tế chung nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Thật vậy, chế độ không phổ biến vũ khí có vẻ lung lay hơn so với những thập niên trước. Điều đó có thể vẫn được thiết lập cùng nhau - nhưng sẽ không chỉ phụ thuộc nhiều vào cách Mỹ giải quyết cuộc chiến Ukraine mà còn phụ thuộc với một loạt các đối thủ và căng thẳng lớn hơn trên toàn cầu.

Trong một cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, John F. Kennedy đã cảnh báo một cách đáng ngại rằng có tới 20 quốc gia có thể có vũ khí hạt nhân trong vòng nửa thập niên. Ba thập niên sau, con số chỉ là chín. Các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã tin rằng ảnh hưởng và an ninh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạt nhân phổ biến vô tổ chức. Vì vậy, họ đã làm việc miệt mài để biến nỗi sợ hãi của Kennedy về sự gia tăng tràn lan vũ khí hạt nhân  trở thành một lời tiên tri bị phủ nhận.

Washington đã sử dụng cả củ cà rốt và cây gậy để buộc các quốc gia phi hạt nhân hóa.

Với sự hợp tác của Liên Xô, một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân chính thức ra đời vào năm 1968. Mỹ cung cấp sự đảm bảo an ninh cho các đồng minh đang lo lắng khiến họ có thể tìm kiếm việc tạo bom. Mỹ cũng sử dụng các mối đe dọa ngoại giao, các biện pháp trừng phạt kinh tế và các biện pháp cưỡng chế khác chống lại các quốc gia - cả đối thủ và đồng minh – manh nha đi theo con đường hạt nhân. Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Francis Gavin, đồng nghiệp tại Đại học Johns Hopkins của tôi, lưu ý, đây là một trong những chính sách nhất quán và hiệu quả nhất của Mỹ thời hậu chiến.

Hôm nay thành công đó có vẻ mong manh. Chương trình hạt nhân của Iran đang tiến triển và các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế nó đã bị đình trệ; Ả Rập Saudi đã dọa sẽ chế tạo bom nếu Iran làm như vậy. Hoạt động chế tạo hạt nhân và các mối đe dọa của Trung Quốc đang gây ra lo lắng ở Đông Á, một cảm giác nghi ngờ ngày càng tăng về niềm tin bấy lâu đặt vào Mỹ. Bây giờ đến cuộc chiến ở Ukraine.

Có nhắc nhở nào tốt hơn rằng vũ khí hạt nhân - thứ mà Ukraine đã từ bỏ vào những năm 1990 - là bảo hiểm tuyệt vời chống lại việc tấn công? Trong khi đó, việc Moammar Gaddafi của Libya, người trước đó đã từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, rồi cũng bị lật đổ bởi Mỹ đứng sau có thể đã gửi một thông điệp tương tự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời đe dọa hạt nhân để ngăn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương can thiệp vào Ukraine, thúc đẩy hơn nữa quan điểm rằng những người có vũ khí hạt nhân sẽ làm những gì họ muốn và những người không có vũ khí hạt nhân phải chịu những gì họ phải làm.

Điều này có ý nghĩa gì đối với việc không phổ biến toàn cầu?

Ở châu Âu, tình hình có thể dễ dàng theo chiều hướng tồi tệ hơn nhiều. Nếu Nga nhanh chóng chinh phục Ukraine và Mỹ chỉ đơn giản chấp nhận kết quả đó, các quốc gia như Ba Lan chắc chắn sẽ cân nhắc lựa chọn hạt nhân. Tuy nhiên, bằng cách giúp Ukraine chống chọi với cuộc tấn công dữ dội và nhanh chóng củng cố sườn của NATO, Washington và các đồng minh quan trọng như Anh có thể hạn chế được nguy cơ hạt nhân rơi xuống ở châu Âu như quân cờ domino.

Kể từ năm 1945, những cách tốt nhất để các nước tránh bị bắt nạt là chế tạo bom hoặc xây dựng một liên minh chặt chẽ với Mỹ. Miễn là các quốc gia NATO nơi tuyến đầu có thể tin tưởng vào vế thứ nhất là liên minh với Mỹ - và miễn là họ tin rằng các mối đe dọa hạt nhân của Nga sẽ không ngăn cản Mỹ ra mặt bảo vệ đồng minh - thì họ có thể không cần đến vế thứ nhất là chế tạo bom.

Đối với bản thân Ukraine, tình hình còn phức tạp hơn, bởi một quốc gia đã chịu nhiều thiệt hại ít có hy vọng gia nhập NATO sớm. Nhưng Ukraine phải đối mặt với những hạn chế kỹ thuật quan trọng trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Và bởi vì họ phụ thuộc vào tiền bạc và vũ khí của phương Tây, nên có thể không muốn cố gắng - miễn là họ tin rằng: Washington cam kết che ô bảo vệ cũng như Washington lo ngại rằng một chương trình hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho sự hỗ trợ đó.

Tình hình ở Trung Đông cũng trở nên căng thẳng, vì đối thủ của Iran - chủ yếu là Ả Rập Saudi - cho rằng Washington đang đánh mất quan tâm trong khu vực. Vì lý do ngoại giao và công nghệ, Ả Rập Saudi hoặc các quốc gia vùng Vịnh khác có thể không tự động noi gương Tehran; Hàn Quốc và Nhật Bản đã không tính việc chạy đua hạt nhân sau khi Triều Tiên thực hiện.

Nhưng để tránh một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực có thể sẽ đòi hỏi một chiến dịch thành công hơn để ngăn chặn chương trình của Tehran, cho dù thông qua ngoại giao hay các biện pháp khác, hoặc đảm bảo mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với các quốc gia Ả Rập, với sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ đủ để khiến dù Iran có bom hạt nhân thì cũng sẽ không giúp Tehran xưng bá ở vùng Vịnh.

Cuối cùng là Đông Á. Đài Loan - hòn đảo sống trong nơm nớp, có lẽ sẽ không dám tìm kiếm vũ khí hạt nhân, bởi vì làm như vậy sẽ chỉ khiến Trung Quốc có cớ phi hạt nhân hóa sớm.

Ở những nơi khác trong khu vực, Mỹ có thể có thể kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua một loạt các biện pháp trấn an: tham vấn nhiều hơn với các đồng minh về chiến lược hạt nhân; thảo luận về cách Washington sẽ phản ứng để Trung Quốc hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân; có lẽ là đặt vũ khí hạt nhân trên hoặc gần lãnh thổ của các đồng minh chủ chốt.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có thể khuất phục Đài Loan thông qua quân sự, trong khi Mỹ đứng bên lề, thì tất cả niềm tin sẽ biến mất. Các quốc gia công nghệ hiện đại nhất của khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể dễ dàng và có thể sẽ tiến tới việc xây chắc khả năng phòng thủ của họ trước những kẻ thù có vũ khí hạt nhân bằng cách phát triển năng lực hạt nhân của riêng họ trong thời gian tương đối ngắn.

Sức mạnh của chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân có liên quan mật thiết đến sự ổn định của trật tự quốc tế lớn hơn. Nếu sự ổn định đó bị đánh mất, thì những thành công đáng kể về không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể nhanh chóng tàn lụi tiếp sau.

Anh Tú (dịch)