Hơn 7.000 lao động trốn đóng BHXH, BHYT… trong 6 tháng đầu năm
Sự kiện - Ngày đăng : 21:42, 13/07/2022
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 6, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt trên 16,8 triệu người (tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 1,7% so với hết năm 2021) chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó BHXH tự nguyện khoảng 1,323 triệu người.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 13,794 triệu người (tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với hết năm 2021), chiếm 27,28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt khoảng 86,538 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.
Tuy nhiên, qua thanh, kiểm tra tại 9.971 đơn vị sử dụng lao động đã phát hiện 7.219 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 38,1 tỉ đồng; 16.328 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 17,6 tỉ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra kiểm tra nợ trước khi có quyết định thanh tra kiểm tra là 1.238,3 tỉ đồng, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là 950,6 tỉ đồng.
Qua đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 10,7 tỉ đồng.
Đối với việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 10.7, cơ quan BHXH đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.767.134 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng; xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động quay trở lại thị trường lao động tham gia BHXH bắt buộc có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, kết quả trên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của BHXH được đẩy mạnh. Cụ thể, tính đến hết ngày 30.6, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực 47.414.355 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số chứng minh nhân dân và căn cước công dân) có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 35.636.200 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Toàn quốc đã có 6.433 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 253.130 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng "VssID - BHXH số". Tính đến hết tháng 6.2022, đã có trên 26,2 triệu người đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng và có hơn 1,2 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong đó, các đơn vị và BHXH các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
“Toàn ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là vừa đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; đảm bảo hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ BHXH, BHYT, BHTN...”, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.